Vườn Quốc gia Chư Mom Ray: Hiệu quả từ chính sách dịch vụ môi trường rừng
Ban đêm trời mưa rả rích, trong lán trại nhỏ gần 20m2 ở bìa rừng, anh A Điêu (thôn Đăk Đê, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) cùng 1 hộ nhận khoán khác đang trao đổi, ghi chép kết quả đi tuần tra rừng trong ngày với cán bộ kiểm lâm của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Rờ Kơi (Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray).
Anh A Điêu là 1 trong 9 hộ ở thôn Đăk Đê nhận khoán theo nguồn giao khoán quản lý bảo vệ rừng vùng dịch vụ môi trường rừng cho Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Trung bình 1 tháng, anh đi tuần tra rừng 4 lần. Hôm nào đi tuần tra, buổi tối hôm đó anh A Điêu ở lại lán trại trực cùng cán bộ kiểm lâm đến sáng hôm sau mới về.
Anh A Điêu cho biết, các hộ nhận khoán được chia thành nhiều tổ, mỗi tổ phụ trách tuần tra, canh giữ rừng mỗi ngày trong tuần. Nhờ bảo vệ rừng cả ngày lẫn đêm nên khi có dấu hiệu xâm phạm, nhóm hộ của anh A Điêu đều phát hiện, ngăn chặn kịp thời, bảo vệ tốt những khoảnh rừng do nhóm nhận khoán quản lý, bảo vệ.
Anh A Điêu phấn khởi chia sẻ, năm nay đơn giá dịch vụ môi trường rừng tăng lên nên thu nhập trung bình tiền công nhận khoán của mỗi hộ khoảng 18 - 20 triệu đồng/năm (tăng 7 - 9 triệu so với những năm trước). Từ số tiền này, mọi người dùng một phần để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình, số còn lại mọi người mua phân bón, cây giống, con giống để phát triển sản xuất.
Anh A Uyên - Thôn phó thôn Đăk Đê - cũng là một trong những hộ tham gia nhận khoán cho hay, hầu hết các hộ nhận khoán đều ý thức cao và trách nhiệm trong việc giữ gìn tài nguyên rừng nên công tác tuần tra, trực đêm được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Tham gia giữ rừng, ngoài việc có thêm thu nhập, mọi người còn được khai thác lâm sản phụ như măng, nấm, rau rừng... để cải thiện bữa ăn.
“Việc nhận khoán bảo vệ rừng đem lại nhiều lợi ích, nên hiện tại, ngoài các hộ đang tham gia nhận khoán, rất nhiều hộ khác trong thôn cũng mong muốn được tham gia công việc này”, anh A Uyên nói.
|
Trạm Quản lý bảo vệ rừng Rờ Kơi đang quản lý 4.307,07ha diện tích rừng tự nhiên. Trong đó, giao khoán 989,24ha cho 34 hộ của thôn Đăk Đê (9 hộ nhận khoán 250ha theo nguồn giao khoán quản lý bảo vệ rừng vùng dịch vụ môi trường rừng, 25 hộ nhận khoán 739,24ha theo chương trình mục tiêu lâm nghiệp bền vững).
Anh Trần Đinh Tâm - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Rờ Kơi nhận xét: Bên cạnh việc đi tuần, trực đêm theo lịch đầy đủ, các hộ nhận khoán của Trạm còn tích cực tham gia việc chữa cháy rừng và có mặt kịp thời để hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm của Trạm mỗi khi được huy động. Nhờ các hộ thực hiện đúng các giao kết trong hợp đồng khoán nên diện tích giao khoán được bảo vệ tốt. Từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn của Trạm quản lý chưa có vụ việc vi phạm lâm luật nào xảy ra.
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có tổng diện tích 56.249,2ha, thuộc các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mô Rai, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) và xã Sa Loong, Pờ Y, Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi). Hiện tại, Vườn đang giao khoán 16.391ha, trong đó, 3.391ha theo nguồn giao khoán quản lý bảo vệ rừng vùng dịch vụ môi trường rừng cho 8 cộng đồng với 119 hộ dân; 13.000ha theo chương trình mục tiêu lâm nghiệp bền vững cho 12 cộng đồng với 446 hộ dân.
Ông Đào Xuân Thủy - Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đánh giá: Việc khoán bảo vệ rừng đã tạo sự chuyển biến tích cực về vai trò, trách nhiệm, ý thức của lãnh đạo các xã, thôn và cộng đồng dân cư sống gần rừng trong việc tham gia bảo vệ rừng; người dân có thêm thu nhập, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống, đồng thời, tích cực hơn trong các hoạt động bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, hạn chế các hành vi vi phạm…
“Trong thời gian tới, để công tác giao khoán bảo vệ rừng được thực hiện hiệu quả, Vườn sẽ tiếp tục đẩy mạnh giao khoán cho các cộng đồng bảo vệ rừng trên diện tích đã giao; mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật tuần tra, kiểm tra rừng cho các cộng đồng để việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng được tốt hơn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ rừng, tố giác tội phạm; thực hiện chặt chẽ việc phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm của Vườn với các cơ quan, đơn vị, cộng đồng trên địa bàn trong các hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm; kịp thời biểu dương, khen thưởng cho các cộng đồng, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ rừng”- ông Đào Xuân Thủy nói.
Đức Thành