Tu Mơ Rông: Xây dựng thương hiệu “mật ong rừng”
Xây dựng thương hiệu sản phẩm "mật ong rừng" - tưởng lạ nhưng là câu chuyện có thật của huyện Tu Mơ Rông. Bởi, “nghề nuôi ong rừng” của người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông đã có vài chục năm nay và có tiếng ở vùng cực bắc Tây Nguyên này. Nguồn thu nhập từ mật ong rừng góp phần cải thiện đời sống của người dân dưới chân núi Ngọc Linh...
Lâu nay, mật ong rừng ở Tu Mơ Rông là một trong những sản phẩm mật ong hảo hạng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để sử dụng và làm quà biếu. Cả mấy tháng nay, dù đã dặn nhiều người quen ở Tu Mơ Rông “phục” người dân đi lấy mật ong về mua vài lít để dùng, nhưng cuối cùng tôi cũng không thể có được lít mật ong rừng nào. Thế mới biết những người sành mật ong rừng “săn đón” để mua mật ong rừng ở Tu Mơ Rông như thế nào. Chỉ cần người dân mang mật ong từ rừng ra là đã có người lấy ngay.
Theo tìm hiểu của phóng viên về nghề “nuôi ong rừng” ở đây, cứ vào dịp trước Tết Nguyên đán hàng năm, người Xơ Đăng ở các xã ở huyện Tu Mơ Rông lại vào rừng rậm đục lỗ trên những thân cây tạo thành những bộng, hốc nhỏ để đến tháng 3, đàn ong mật tìm về làm tổ. Cuối tháng 5, đầu tháng 6, người Xơ Đăng lại vào rừng lấy mật.
Chúng tôi từng theo chân người Xơ Đăng ở Ngọc Yêu vào rừng thăm ong, lấy mật. Khi ấy, tôi đi cùng với ông A Néo (52 tuổi, xã Ngọc Yêu) một trong những người “nuôi ong rừng” nhiều nhất ở vùng rừng núi Ngọc Yêu vào rừng lấy mật ở khu rừng Đăk Trum xã Ngọc Yêu.
|
Tại đây, chúng tôi chứng kiến dưới tán cây rậm có tổ mật ong dài chừng 0,3-0,4m, nằm trên thân cây cao chừng 1m so với mặt đất. Tổ ong do A Néo đục vào hốc cây, rồi lấy miếng gỗ bít lại, chừa 2 lỗ nhỏ cho ong bay ra vào làm mật. Mỗi năm ông A Néo thu vài trăm lít mật từ việc “nuôi ong rừng”.
Ở Ngọc Yêu không phải một vài chục người làm mà hàng trăm hộ gia đình ở đây cùng làm như A Néo. Cách “nuôi ong rừng” này của đồng bào Xơ Đăng đã có từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ban đầu chỉ có vài chục hộ ở làng Long Láy đi làm, đến nay 8 làng của xã Ngọc Yêu đều tham gia. Xã Ngọc Yêu có 300 hộ dân thì hiện có 2/3 số hộ đã làm nghề “nuôi ong rừng”. Người làm ít mỗi năm cũng thu được vài chục lít, nhiều thì đến cả trăm lít, nhất là ở làng Long Láy, có 3 hộ thu trên 300 lít mật ong/năm. Trung bình mỗi năm người dân xã Ngọc Yêu thu khoảng 3.500 lít mật ong rừng, giá bán tại chỗ khoảng 500.000 đồng/lít mật.
Ông A Néo cho biết, người Xơ Đăng rất thật thà, không có nhầm lẫn tổ ong mình làm với người khác. Khi làm tổ ong, họ lấy cây rừng ghép thành hình chữ thập để ngay hốc cây đó làm dấu; những người khác khi nhìn vào dấu này sẽ biết là nơi này “đã có chủ”.
Ông Lê Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu cho biết, cả xã hiện không phải một vài chục người làm mà hàng trăm hộ gia đình ở đây cũng làm nghề “nuôi ong rừng”. Vì vậy, xã Ngọc Yêu quyết tâm xây dựng thương hiệu mật ong rừng là sản phẩm đặc trưng và thời gian đến sẽ đưa ra thị trường "mật sâm Ngọc Linh" quý giá vô cùng.
Ở xã Văn Xuôi cũng vậy. Người Xơ Đăng ở đây cũng nuôi ong rừng hàng chục năm nay. Ban đầu chỉ có vài hộ nuôi, sau này đã có hàng chục hộ tham gia.
Ông Cao Minh Luyến - Chủ tịch UBND xã Văn Xuôi cho biết, khi đục hốc cho ong rừng làm tổ, người Xê Đăng chọn cây không có chảy nhựa, ướt. Hốc tổ phải ở gần suối và miệng tổ phải ngược theo hướng suối chảy và không được ở trên cao, vì gió nhiều ong không đến ở. Hiện xã Văn Xuôi cũng có vài chục hộ nuôi ong rừng; năm nhiều nhất sản lượng mật ong rừng các hộ dân trong xã thu được khoảng vài trăm lít.
Tương tự, ở các xã Măng Ri, Tê Xăng cũng vậy. Hiện chính quyền các địa phương chưa thống kê đầy đủ số hộ nuôi ong rừng nhưng ước tính mỗi xã cũng có hàng chục người. Chính quyền 2 xã này đang tích cực vận động nhân dân duy trì hoạt động này. Sau khi bàn giao các diện tích rừng cho dân quản lý thì chính quyền xã sẽ khoanh vùng, quy hoạch thành vùng nuôi ong rừng.
"Dù chưa ai làm giàu từ nuôi ong rừng, nhưng hàng trăm gia đình ở các xã Ngọc Yêu, Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây và Văn Xuôi… kiếm được hàng chục triệu đồng/năm từ mật ong. Đặc biệt, khi huyện vào cuộc xây dựng thương hiệu thì giá trị mật ong rừng ở đây sẽ còn cao hơn"- ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Văn Mười cho biết, huyện đang quy hoạch và phát triển “nuôi ong rừng” ở xã Ngọc Lây, Văn Xuôi, Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Yêu để xây dựng sản phẩm mật ong rừng thành sản phẩm đặc trưng của huyện. Huyện cũng sẽ dần hình thành chuỗi liên kết các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã quản lý, bảo vệ thu hoạch ổn định lâu dài…
Văn Phương