Tu Mơ Rông: Xây dựng mỗi xã một sản phẩm
Dựa vào lợi thế của từng địa bàn, huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo các xã phát triển sản xuất theo thế mạnh của mình, nhằm xây dựng thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp cho từng xã, giúp người dân thu nhập cao hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội huyện ngày càng phát triển…
Không phải đến bây giờ Tu Mơ Rông mới bắt đầu phát triển sản xuất các loại cây trồng mang tính đặc trưng, lợi thế của từng xã, mà việc này đã được Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện định hướng từ khi mới tách huyện (năm 2005). Từ đó, Tu Mơ Rông quy hoạch phát triển diện tích các loại cây trồng, vật nuôi theo thế mạnh từng xã, đồng thời định hướng sản xuất theo chuỗi sản phẩm liên kết toàn huyện.
Với sâm Ngọc Linh- một cây dược liệu quý, huyện quy hoạch và đang tập trung phát triển mạnh ở 8 xã là Đăk Sao, Đăk Na, Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Ngọc Yêu, Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Lây. Đối với hồng đẳng sâm (hay gọi là sâm dây), cà phê xứ lạnh và ngũ vị tử, huyện đang tập trung phát triển mạnh ở 9 xã là Đăk Sao, Đăk Na, Tu Mơ Rông, Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri, Văn Xuôi, Ngọc Yêu và Đăk Hà. Còn đối với sản phẩm mật ong rừng, huyện đang quy hoạch và phát triển ở 4 xã là Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Yêu. Đây là những sản phẩm đặc hữu đã và đang làm nên thương hiệu của vùng núi Ngọc Linh này.
|
Theo ông Vương Văn Mười- Phó Chủ tịch UBND huyện, với 2 loại cây là sâm Ngọc Linh và sâm dây, hiện nay người dân trên địa bàn huyện đã biết, hiểu được giá trị nên đang tập trung phát triển mạnh. Đến nay, toàn huyện phát triển được hơn 328 ha sâm Ngọc Linh chủ yếu do doanh nghiệp và nhân dân tự trồng. Đây cũng mới là con số điều tra được, còn trong thực tế, diện tích có thể nhiều hơn. Bởi theo ông Mười, giờ đây, đi đâu cũng nghe người dân bàn chuyện phát triển dược liệu sâm Ngọc Linh và sâm dây. Chỉ có điều họ thiếu vốn và nguồn giống chính thức…
Đơn cử tại địa bàn xã Tê Xăng, hiện xã đang xây dựng sản phẩm sâm dây và các loại dược liệu làm sản phẩm chủ lực của xã. Theo ông A Hanh- Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, ngày trước, nhiều thương lái vào thu mua sâm dây, sâm Ngọc Linh là bà con hay lên rừng đào về bán. Nhưng bây giờ biết giá trị kinh tế của giống sâm này nên bà con chủ động tìm nguồn giống trồng dưới tán rừng. Còn sâm dây, bà con trao đổi, học nhau cách trồng xen lẫn cà phê, bời lời để tăng thu nhập. Bởi, cây trồng này không mất nhiều công chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu nên phát triển rất tốt. Trồng được hơn một năm, sâm dây bắt đầu cho thu hoạch,với giá thị trường 100.000 đồng/kg sâm tươi, 400.000-500.000 đồng/kg sâm khô. Cùng với thu hoạch củ, lá sâm dây cũng được thương lái thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Từ việc đưa cây sâm dây vào trồng, hàng trăm hộ gia đình ở xã Xê Tăng đã cải thiện đời sống rõ rệt.
Ngoài cây dược liệu, biết được lợi thế là cây cà phê catimor phù hợp với thời tiết khí hậu ở vùng núi cao Tu Mơ Rông, tỷ lệ cây sống sau trồng đạt hơn 90%, đặc biệt là ít chăm sóc, giá cả, chất lượng cao hơn những giống cà phê khác nên đã thu hút người dân tích cực phát triển diện tích. Vì thế, nhiều năm nay, huyện đã ưu tiên các nguồn vốn hỗ trợ cho người dân phát triển diện tích cà phê catimor. Đến nay, huyện đã triển khai trồng cà phê catimor ở nhiều xã như Ngọc Yêu, Măng Ri, Tê Xăng, Tu Mơ Rông, Ngọc Lây, Văn Xuôi, Đăk Hà, Đăk Na, Đăk Sao...Đó cũng là loại cây trồng được các xã xác định làm cây trồng chủ lực, làm sản phẩm thương hiệu cho xã mình. Vì vậy, diện tích cây cà phê này trên địa bàn huyện tăng lên hàng năm. Nếu như năm 2015, toàn huyện chỉ có 630 ha (gần 200 ha đã cho thu hoạch) thì đến cuối năm 2017, đã phát triển lên hơn 1.358 ha và năm 2018 dự kiến toàn huyện sẽ trồng mới khoảng 200 ha. Kế hoạch đến 2020, huyện phấn đấu phát triển gần 1.800 ha và xây dựng thương hiệu cà phê xứ lạnh, đạt giá trị khoảng 67 tỉ đồng/năm...
"Địa phương đang khuyến khích đồng bào chuyển đổi diện tích đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng cà phê catimor. Nếu chăm sóc đạt sẽ cho từ 5-7kg/cây và nếu giá như hiện tại (trên 6.000 đồng/kg) thì mỗi ha cà phê thu hoạch cho trên 100 triệu đồng/năm là không khó"- ông Vương Văn Mười- Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết.
Ngoài chuỗi sản phẩm nói trên thì mật ong rừng cũng được huyện Tu Mơ Rông xác định phát triển thành sản phẩm đặc trưng ở 4 xã là Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Yêu. Bởi, mật ong rừng ở những xã này đã được nhiều người biết đến thuộc diện chất lượng nhất không chỉ ở huyện mà còn trên địa bàn toàn tỉnh.
Chúng tôi đi thực tế tại xã Ngọc Yêu- nơi được coi là “thủ phủ” của ong rừng Tu Mơ Rông, bởi người dân ở đây đã coi việc “nuôi” ong rừng là một nghề truyền thống. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hoàng- Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu cho biết: Hiện, trên địa bàn xã có hàng trăm hộ gia đình làm nghề “nuôi” ong rừng. Điển hình nhất chính là A Néo- Phó Bí thư Đảng ủy xã. A Néo được người dân gọi vui là “vua ong”. Hàng năm ông kiếm được hàng chục đến hàng trăm lít mật ong rừng.
|
“Hiện, xã có 300 hộ dân thì có 2/3 đã nuôi ong rừng. Người làm ít thu được vài chục lít, nhiều thì đến cả trăm lít, nhất là ở làng Long Láy, có 3 hộ thu trên 300 lít mật ong/năm. Trung bình mỗi năm người dân xã Ngọc Yêu thu khoảng 3.500 lít mật ong rừng, giá bán tại chỗ khoảng 500.000 đồng/lít. Chính vì vậy, xã đã quyết tâm xây dựng thương hiệu mật ong rừng, thời gian đến sẽ đưa ra thị trường mật ong quý này”- ông Hoàng khẳng định.
Còn tại xã Văn Xuôi, người Xơ Đăng cũng nuôi ong rừng hàng chục năm nay. Ban đầu chỉ có vài hộ nuôi, sau thì hàng chục hộ tham gia “nuôi” ong rừng. "Những xã nuôi ong rừng, khi huyện vào cuộc xây dựng thương hiệu thì giá trị mật ong rừng ở đây sẽ còn cao hơn", ông Vương Văn Mười- Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói.
Ngoài việc đẩy mạnh phát triển diện tích cũng như sản phẩm đặc trưng của từng xã, huyện Tu Mơ Rông đang khuyến khích các nhóm hộ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết theo sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê, các loại dược liệu trên địa bàn để từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Tu Mơ Rông, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội huyện ngày càng phát triển.
Văn Phương