Tu Mơ Rông: Thúc đẩy liên kết phát triển hợp tác xã
Những năm gần đây, huyện Tu Mơ Rông đã đẩy mạnh việc liên kết sản xuất thông qua kinh tế tập thể; trong đó, phát triển hợp tác xã (HTX) đã tạo được sức mạnh tổng hợp, đa chiều mang lại lợi ích cho người dân, giúp bà con thoát nghèo và làm giàu.
|
Được hình thành vào tháng 7/2018, đến nay HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông (xã Ngọc Lây) đã đi vào hoạt động ổn định, sản xuất được hơn 40 sản phẩm đưa ra thị trường. Để có được thành quả này, ngay từ lúc thành lập, HTX đã chọn phương án liên kết với người dân tại chỗ để trồng và phát triển dược liệu tại xã Ngọc Lây.
Anh Mai Văn Đặng (42 tuổi) - người quản lý HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông cho biết: Lúc mới thành lập, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương HTX đã thuê được đất và tìm được người dân tại chỗ liên kết để xây dựng, phát triển HTX. Thoạt đầu, HTX đã liên kết với 16 hộ dân, bắt đầu cung cấp giống cà phê cho bà con và hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc để bà con có thể trồng trên đất gia đình. Đồng thời HTX cũng cam kết sẽ thu mua sản phẩm khi bà con thu hoạch xong với giá bằng hoặc cao hơn thị trường nếu sản phẩm đạt yêu cầu của HTX. Một thời gian sau, khi cà phê cho thu hoạch, HTX đã thu mua toàn bộ sản phẩm của bà con và sản xuất ra sản phẩm cà phê rang xay được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.
Sau cà phê, HTX tiếp tục liên kết với người dân trồng các loại cây dược liệu như sâm dây, đương quy, lan kim tuyến, đan sâm… Những hộ dân liên kết với HTX, vừa được nhận giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật từ HTX, vừa có thêm thu nhập khi đến làm việc trực tiếp tại HTX.
Tôi đến thăm HTX lúc giữa trưa, bởi đây là lúc những lao động làm việc tại HTX nghỉ ngơi. Là sinh viên mới ra trường, tốt nghiệp ngành lâm sinh, em A Ngọc Ka (24 tuổi, thôn Đăk Kinh 1, xã Ngọc Lây) rất vui mừng khi được làm việc tại HTX. Khi mới vào làm việc, ngoài những kiến thức từ nhà trường, em chưa từng tiếp xúc, va chạm với việc trồng trọt, các thiết bị làm nông nghiệp ngoài thực tế.
A Ngọc Ka cho biết: Đến đây làm việc, em được học cách ươm cây giống, chăm sóc cây, tưới tiêu, bón phân, làm cỏ, được HTX nuôi ăn, ở. Hiện tại em vẫn đang trong thời gian thử việc với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Sau này làm có kinh nghiệm, mức lương sẽ được tăng cao hơn.
Không chỉ những người trẻ, nhiều nông dân lớn tuổi cũng liên kết với HTX để có thêm việc làm lúc nông nhàn. Anh A Phước (49 tuổi ở thôn Đăk Kinh 1, xã Ngọc Lây) cùng vợ mình đã làm việc suốt 6 tháng qua.
Anh A Phước cho biết: Mấy tháng qua, lúc trái mùa, vợ chồng tôi đến đây làm việc, mỗi tháng 2 vợ chồng dành dụm thêm được hơn 7 triệu đồng. Hiện tại tôi đang học hỏi kinh nghiệm, để trong thời gian tới sẽ nhận giống sâm đương quy để trồng trên 1 sào đất của gia đình.
Không làm việc trực tiếp tại HTX, nhưng nhận giống đương quy của HTX về trồng tại nhà, anh A Thuấn (49 tuổi, thôn Đăk Kinh 2, xã Ngọc Lây) đã có thu nhập từ việc bán sản phẩm cho HTX. Anh A Thuấn cho biết: Được HTX hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng 1 sào đương quy, vừa qua gia đình đã thu hoạch gần 7tạ và bán với giá 37 nghìn đồng/kg, thu về gần 25 triệu đồng. Hiện tại, gia đình đã trồng vụ mới và đang phát triển rất tốt.
Ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông đã liên kết với 15 hộ dân tại thôn Kon Chai trồng sâm dây, gừng, tỏi hữu cơ. Khi liên kết với HTX, các hộ sẽ được nhận giống, phân bón, được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và được HTX thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thỏa thuận. Bên cạnh đó, một số hộ dân làm việc trực tiếp tại HTX còn được học hỏi cách chăm sóc dược liệu, trồng cây theo phương thức hữu cơ và được trả tiền công 200.000 đồng/ngày.
Là 1 trong 2 lao động đang làm việc tại HTX, em A Than (27 tuổi, ở thôn Kon Chai, xã Đăk Na) chia sẻ: Ngày nay tìm việc rất khó, nhờ có HTX mà em có việc làm ổn định và gần gia đình. Công việc ở đây cũng phù hợp với bản thân, giúp em có thêm kinh nghiệm trồng trọt và có tiền để tiết kiệm, trang trải cuộc sống.
|
Ông Vương Văn Mười – Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trên địa bàn huyện có 27 HTX, trong đó có 10 HTX liên kết với người dân và hoạt động có hiệu quả. Việc các HTX liên kết với người dân để phát triển đã giải quyết được vấn đề việc làm cho bà con, góp phần tăng thêm thu nhập, hiểu biết hơn về các kỹ thuật trồng và chăm sóc, từ đó giúp nhiều gia đình làm tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích thay vì phải mở rộng diện tích để tăng năng suất. Để các HTX hoạt động có hiệu quả, huyện luôn tạo điều kiện về mặt pháp lý, giới thiệu đất trồng, đồng thời chỉ đạo UBND các xã phải phối hợp với HTX, giới thiệu và quản lý lao động tại chỗ để liên kết với HTX.
Văn Tùng