Tu Mơ Rông: Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai
Từ kinh nghiệm phòng, chống thiên tai năm 2021, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) các cấp trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông tiến hành củng cố, kiện toàn lực lượng xung kích, tăng cường công tác tuyên truyền để cộng đồng, người dân chủ động ứng phó với thiên tai.
|
Xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông) nằm ở vị trí có địa hình đồi núi dốc cao, chia cắt bởi các rãnh sông, suối. Vì vậy, ở nơi đây thường xảy ra lũ quét và sạt lở đất, sụt lún đất khi có mưa lớn kéo dài.
Từ thực tế trên, nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, ngay trước khi bước vào mùa mưa bão năm 2022, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS xã Tu Mơ Rông kịp thời xây dựng phương án PCTT-TKCN, tiến hành kiện toàn lực lượng xung kích, rà soát hiện trạng các điểm xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”, thông tin kịp thời tới người dân về diễn biến thời tiết để phòng tránh.
Trên cơ sở rà soát thực tế các điểm xung yếu, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS xã Tu Mơ Rông tiến hành xây dựng tình huống giả định cho các cấp độ và loại hình thiên tai để chủ động ứng phó.
Xác định yếu tố con người, lực lượng cùng phương tiện, vật tư tại chỗ đóng vai trò quan trọng trong công tác PCTT-TKCN, đặc biệt là đối với các địa bàn, thôn có khả năng bị cô lập, chia cắt, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS xã Tu Mơ Rông thành lập lực lượng nòng cốt tại xã và lực lượng tại chỗ ở các thôn với tổng số 75 người và chuẩn bị hơn 370 vật tư, phương tiện cùng hơn 14 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men thiết yếu.
Bà Y Liễu- Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS xã Tu Mơ Rông cho biết: Ban Chỉ huy xã và Tổ PCTT-TKCN ở các thôn thường xuyên giữ liên lạc qua nhiều hình thức. Bên cạnh triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại địa bàn nơi sinh sống, tùy thuộc vào diễn biến thiên tai, Tổ PCTT-TKCN các thôn còn được Ban Chỉ huy xã chỉ đạo, phân công lực lượng đến thôn khác để hỗ trợ người dân di dời tài sản, cứu chữa cho người bị thương, báo hiệu và trực tại các điểm ngập lụt hay hỗ trợ sửa chữa nhà ở bị hư hỏng. Thông qua các lần tham gia hỗ trợ ở nhiều địa bàn với nhiều loại hình thiên tai khác nhau, đã giúp lực lượng tại chỗ ở các thôn có thêm kinh nghiệm thực tiễn trong PCTT-TKCN.
“Công tác tuyên truyền cho người dân đều được lực lượng tại chỗ ở các thôn thực hiện thường xuyên và kịp thời nên người dân đều chủ động ứng phó, khi có mưa lớn không đi rẫy một mình, không đi qua sông suối, thực hiện chằng néo, gia cố nhà cửa và khi có thiên tai xảy ra đều tích cực tham gia cùng các lực lượng khắc phục hậu quả” - bà Y Liễu nói.
Tại xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông), Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS xã cũng chủ động xây dựng phương án PCTT-TKCN, đặt các tình huống giả định về thiên tai và kiện toàn công tác tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia công tác PCTT-TKCN từ cấp xã đến cấp thôn. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, thông tin đến người dân về diễn biến thời tiết, để người dân chủ động triển khai các biện pháp ứng phó và tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong khắc phục hậu quả thiên tai.
Ông Dương Đăng Khoa- Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS xã Đăk Hà chia sẻ, vào mùa mưa bão hàng năm, trên địa bàn xã hay xảy ra dông sét, lốc xoáy, mưa đá, sạt lở đất, ngập lũ, lũ quét. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, trước mùa mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS xã tiến hành kiểm tra, rà soát hiện trạng các điểm xung yếu, nhất là rãnh thoát nước các tuyến đường bê tông ở vị trí dốc cao, mố cầu treo… Từ đó, chủ động triển khai lực lượng đến khắc phục tạm thời; đồng thời, báo cáo cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện, tham mưu UBND huyện Tu Mơ Rông triển khai phương án gia cố, nhằm tránh để các điểm xung yếu bị thiệt hại hơn khi xảy ra mưa lớn kéo dài.
Theo ông Dương Thái Khoa- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông- cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS huyện, ngay từ đầu năm, đơn vị đã có văn bản đề nghị các xã tổng kết công tác PCTT-TKCN năm trước để nêu ra các bài học kinh nghiệm, chủ động khắc phục các vướng mắc, khó khăn và đề xuất các giải pháp để tiếp tục phối hợp, triển khai công tác phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai trong năm 2022.
Ông Khoa cho hay, thông qua công tác tập huấn, diễn tập cho lực lượng xung kích, rà soát đánh giá hiện trạng các điểm xung yếu, chủ động đặt ra các tình huống giả định để ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư, lương thực và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cho người dân, các lực lượng tham gia PCTT-TKCN huyện Tu Mơ Rông quyết tâm tổ chức triển khai hoạt động hiệu quả, tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Qua đó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và tài sản của Nhà nước.
Đức Thành