Trồng sâm dây đơn giản, đạt hiệu quả
Vụ mùa năm nay, huyện Đăk Glei có kế hoạch trồng mới hơn 230 ha sâm dây tại các xã Xốp, Mường Hoong, Ngọc Linh. Trong cao điểm mùa khô, bà con nông dân các địa phương đã tranh thủ làm đất và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuống giống khi có mưa xuống, đảm bảo tỷ lệ cây sống và sâm dây sinh trưởng, phát triển tốt.
Giống cây sâm dây có thể lấy từ nguồn ươm bằng hạt hoặc ươm từ cây. Ươm bằng hạt cho cây giống tốt, nhưng mất nhiều thời gian; nên bà con thường lấy giống từ cây, chất lượng cũng không kém, mà lại đơn giản, thuận tiện hơn.
Đất trồng sâm dây hiện nay được bà con ở các xã trồng chủ yếu là rẫy cũ, trước đây đã từng canh tác một số cây ngắn ngày, dài ngày khác; nên cơ bản đất đã thuần, không mất nhiều công đào gốc, dọn cỏ. Tuy vậy, trước khi trồng, đất vẫn cần được cuốc kỹ, phơi ải cho thoáng khí. Trước khi xuống giống, chịu khó lên luống. Cho đến nay, sâm dây dưới núi Ngọc Linh vẫn trồng theo lối tự nhiên nên không phải bón phân. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, chỉ làm cỏ kết hợp xới đất vài ba lần là cây phát triển tốt.
Mỗi năm, sâm dây được trồng một vụ. Thời điểm xuống giống thích hợp là đầu mùa mưa (cuối tháng 5, đầu tháng 6). Vì vậy, sau khi thu hoạch sâm dây vào cuối mùa khô năm trước, thì đầu năm sau, bà con lấy cây giống để đến khi có mưa xuống sẽ trồng.
Bà con cũng có thể trồng sớm khi chưa có mưa mà vẫn bảo đảm cây sống nếu biết cách tránh nắng cho cây giống. Kinh nghiệm xuống giống cây sâm dây được chị Y Liên ở làng Mới, xã Ngọc Linh cho hay: Xuống giống sâm dây khi đã có mưa thì đơn giản, nhưng trồng vào cuối mùa nắng là chủ yếu trồng để “giữ giống”. Lưu ý, trồng gốc sâu xuống đất, sau đó, lấy đất phủ luôn cả ngọn. Mưa xuống, rửa trôi đất, mới lộ ngọn ra, cây lên bình thường. Làm cách này, tỷ lệ cây sống cũng trên 80%.
|
Có thể trồng xen sâm dây với diện tích trồng một số loại cây trồng khác, song thực tế, bà con ở vùng trọng điểm trồng sâm dây xã Ngọc Linh thường trồng theo lối chuyên canh, cho năng suất, chất lượng củ cao hơn.
Thời gian vừa qua, bà con chủ yếu trồng sâm dây một cách tự nhiên theo phương thức truyền thống, không can thiệp bất cứ biện pháp kỹ thuật nào. Vì vậy, để đạt năng suất, bà con cần chú ý cách trồng phù hợp. Đơn giản, phổ biến là trồng đại trà trên mặt đất bình thường; song hiệu quả hơn khi sâm dây được vun luống, hay làm vồng trước khi xuống giống. “Tốt nhất là trồng bằng cách vun vồng, như vun vồng trồng cây mì. Mỗi vồng xuống giống 4 - 5 cây giống. Vun vồng to, đất tơi xốp, cây càng phát triển tốt, có khi 2 - 3 củ một ký.” - Chị Y Liên chia sẻ.
Xã Ngọc Linh hiện có hơn 450 ha lúa mùa, song do địa hình đồi dốc cao, cả diện tích rẫy và ruộng bậc thang đều có độ rửa trôi lớn, nên năng suất bình quân thấp. Đầu tư mở rộng diện tích sâm dây tiến tới hình thành một trong số vùng chuyên canh loại cây dược liệu này của huyện Đăk Glei tại địa bàn là mục tiêu hướng tới của xã. Riêng trong vụ mùa năm 2020, bà con tiếp tục trồng mới 142 ha, tập trung tại các làng Tân Rát, Kung Rang, Kon Tuông, Lê Toan, Đăk Nai...
Để mở rộng diện tích sâm dây trồng mới, 3 xã được quy hoạch phát triển cây dược liệu ở khu vực phía Bắc huyện (Ngọc Linh, Mường Hoong, xã Xốp) tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 135, 30a giúp các hộ nghèo, cận nghèo trồng và chăm sóc loại cây này đạt hiệu quả.
Thanh Như