Thiêng liêng Lễ chào cờ ở Trường Sa
Tôi từng dự rất nhiều lễ chào cờ, nhưng được tham gia Lễ chào cờ trên quần đảo Trường Sa có lẽ là kỷ niệm không bao giờ quên bởi cảm xúc thật đặc biệt, xúc động và thiêng liêng.
|
Theo thông lệ, vào sáng thứ Hai đầu tiên của mỗi tháng và đặc biệt là vào sáng mùng Một Tết Nguyên đán, toàn thể quân và dân trên đảo Trường Sa lại trang nghiêm xếp hàng trước cột mốc chủ quyền để thực hiện nghi thức chào cờ.
Lễ chào cờ diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động. Dưới ánh nắng ban mai lấp lánh, trong tiếng gió thổi rì rào và sóng vỗ miên man vào bờ đá, lá cờ Tổ quốc từ từ được kéo lên đỉnh cột trong ánh mắt nghiêm trang của tất cả những người có mặt.
Khi khẩu lệnh của chỉ huy vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá Quốc kỳ thiêng liêng đỏ thắm, tiếng Quốc ca cũng đồng loạt cất lên từ hàng ngũ chỉnh tề của những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam, của lực lượng phối thuộc và những người dân đang sinh sống trên đảo hùng hồn, tự hào: “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”.
Giữa bốn bề sóng vỗ, trước cột mốc chủ quyền mang dáng hình đất nước, dưới lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay, từng lời bài Quốc ca vang lên với khí thế hào hùng. Cán bộ, chiến sĩ, và người dân hát vang như lời khẳng định chắc nịch về chủ quyền biển đảo.
Khi bài Tiến quân ca vừa dứt, Thượng úy Nguyễn Hạnh Phúc thay mặt cán bộ, chiến sĩ đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Mỗi lời thề là một lời hứa danh dự của quân nhân trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và nhân dân: Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội…
Kết thúc nội dung mỗi lời thề là lời đáp “Xin thề” đanh thép, đầy quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ. Nhìn cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trong nắng sớm Trường Sa, bên cột mốc chủ quyền cùng sự thống nhất, đoàn kết của quân, dân trên đảo, ai cũng trào dâng niềm tự hào, trào dâng tình yêu với quê hương, đất nước.
Ngay sau lễ chào cờ, trong nền bài nhạc Tiến bước dưới quân kỳ, nghi thức duyệt đội ngũ hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam được thực hiện trước cột mốc chủ quyền và cột cờ Tổ quốc. Với tác phong mạnh mẽ, dứt khoát của người lính thể hiện quyết tâm vững tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Thượng tá Nguyễn Tường Tín - Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây A chia sẻ, lễ chào cờ không chỉ là một nghi thức thiêng liêng mà còn là dịp để quân, dân trên đảo cùng nhìn lại trách nhiệm, củng cố niềm tin, nâng cao ý chí, đồng lòng xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan và mẫu mực trong đoàn kết quân - dân.
Vẹn nguyên cảm xúc sau lễ chào cờ, chiến sĩ trẻ Hoàng Hồng Quân chia sẻ: Qua lời kể của cha, tôi biết Trường Sa đã trải qua rất nhiều đau thương mất mát, vì thế luôn muốn cống hiến một phần công sức để xây dựng Trường Sa. Tôi tự hào khi được công tác tại đây. Mỗi buổi lễ chào cờ là một lần tôi được sống trong cảm xúc dâng trào, thêm yêu đất nước, thêm trân trọng từng tấc đất, vùng biển quê hương mà cha ông đã đổ máu gìn giữ.
Không chỉ có chiến sĩ mà những người dân sinh sống tại đảo cũng luôn xúc động mỗi lần tham dự buổi lễ đặc biệt này. Chị Vi Thị Thu Trang – một người dân ở đảo Đá Tây A tâm sự: Mỗi lần tham gia lễ chào cờ, tôi đều rưng rưng xúc động. Nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay nơi đảo xa, tôi càng thấm thía hơn trách nhiệm và niềm tự hào của một công dân Việt Nam. Chúng tôi luôn tâm nguyện góp sức mình giữ gìn vùng biển yêu thương này.
Trên tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, từ Đá Tây A, Sinh Tồn, Trường Sa đến Đá Nam, An Bang… tiếng Quốc ca vẫn đều đặn vang lên vào đầu tháng hay dịp lễ, tết. Lễ chào cờ không chỉ là nghi thức mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc để mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây thêm vững tin vào sứ mệnh bảo vệ biển đảo.
Giữa trùng khơi mênh mông, nơi bốn bề sóng vỗ và lồng lộng gió thổi, dưới ánh mặt trời rực rỡ nơi đảo xa, lá cờ đỏ sao vàng vẫn kiêu hãnh tung bay trên nền trời xanh thẳm, từng lời ca như trào dâng từ đáy lòng, hòa quyện cùng sóng biển, gió trời.
Với mỗi người dân Việt Nam, được tham dự lễ chào cờ tại Trường Sa không chỉ là một kỷ niệm mà còn là một trải nghiệm thiêng liêng, để rồi từ đó càng thêm hiểu, thêm yêu và thấy rõ hơn trách nhiệm gìn giữ hòa bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió.
Dương Nương