Từ khát vọng hòa bình, thống nhất đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Để có nền hòa bình thực sự, trong suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã đấu tranh, hy sinh để giành và giữ nền hòa bình quý giá cho sự ổn định và phát triển.
|
21 thế kỷ trôi qua, nhưng hơn nửa thời gian ấy, dân tộc Việt Nam phải kiên cường, anh dũng đấu tranh với các thế lực ngoại bang xâm lược, từ phong kiến phương Bắc đến chủ nghĩa thực dân phương Tây. Khát vọng hòa bình cháy bỏng chính là điểm tựa tinh thần để một dân tộc gan góc đứng lên xóa bỏ ách nô lệ của thực dân và kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Điều đó được khẳng định từ lời bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Thế nhưng, thực dân Pháp lại ngang nhiên quay trở lại xâm lược nước ta thêm một lần nữa. Trong thư gửi Tổng thống, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, ngày 10/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”. Với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân Việt Nam đã anh dũng đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Kháng chiến thắng lợi, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954) được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”. Vậy nhưng, Người cũng nhìn thấy một nguy cơ lớn trước mắt: “Đây chỉ là chiến thắng bước đầu. Chiến tranh chưa kết thúc đâu, không khéo chúng ta phải đánh nhau với Mỹ và cuộc chiến sẽ vô cùng khó khăn, lâu dài, gian khổ nữa đấy!”.
Quả thật, để thực hiện âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, đế quốc Mỹ chính thức nhảy vào để thay chân Pháp. Nhưng với tinh thần anh dũng, kiên cường và dự cảm thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Thế nên, dù cho đế quốc Mỹ có điên cuồng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta như thế nào đi nữa, nhưng nhân dân 2 miền Nam Bắc quyết không sợ. Cha ông ta đã kiên cường 9 năm kháng chiến để giành lấy hòa bình từ tay Pháp, lại tiếp tục kiên trì kháng chiến suốt 20 năm để đánh Mỹ. Từ trận “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972) đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đúng 11 giờ 30 ngày 30/4/1975 quân và dân ta đã tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc lập, buộc tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Kháng chiến thắng lợi, non sông gấm vóc liền một dải, nhân dân cả nước bắt tay cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới, bảo vệ hòa bình, thống nhất và độc lập của Tổ quốc.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, ký ức về những ngày tháng Tư lịch sử như đang được tái hiện trong hôm nay khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Vinh dự và tự hào hơn khi chúng ta chuẩn bị đón ngày lễ trọng đại ấy trong một tâm thế mới, vị thế mới.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế chưa từng có. Từ một nền kinh tế lạc hậu, chúng ta đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động và phát triển nhanh chóng của khu vực và thế giới, với quy mô GDP tăng trưởng vượt bậc (năm 2024 đạt 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới) và thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể.
Từ một nước bị bao vây, cô lập, đến nay chúng ta đã mở rộng quan hệ đối ngoại với 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, nâng tầm quan hệ đối ngoại đối tác chiến lược, toàn diện với 12 nước bao gồm các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống quốc tế (Mỹ, Nga, Trung Quốc) và trong khu vực (Singapore, Indonesia).
Không những vậy, Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế và có nhiều đóng góp quan trọng đối với nền hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Trên bình diện đa phương, Việt Nam có nhiều đóng góp hiệu quả và đảm nhiệm thành công vai trò chủ chốt tại các tổ chức, diễn đàn, đặc biệt là Liên hợp quốc, ASEAN. Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem Việt Nam như một điểm sáng về xóa đói, giảm nghèo, là biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, là điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.
Những thành tựu này, là nền tảng quan trọng để đất nước tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập, hiện thực hóa quan điểm, mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề cập đến: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường của dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Hơn nửa thế kỷ trước, cha ông ta đã dùng máu và nước mắt để thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập. Còn hôm nay, chúng ta sẽ là những người viết tiếp câu chuyện hòa bình ấy cùng với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong kỷ nguyên mới.
Lê Minh Phượng