Trợ lực cho nông dân
Thông qua nguồn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh có thêm điều kiện xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, tạo sinh kế bền vững.
Như các nông dân ở xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, trước đây, ngoài trồng mì, cà phê, cao su, chỉ tự nuôi trồng thủy sản manh mún, nhỏ lẻ để tăng thêm thu nhập. Đầu năm 2019, tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, 7 thành viên tại thôn 4 đã mạnh dạn vay vốn và thành lập Tổ hợp tác nuôi thủy sản nước ngọt. Bước đầu, mô hình được đánh giá khả quan, tạo được sinh kế cho bà con.
Dẫn chúng tôi đi xem 240m2 lồng bè, anh Đinh Văn Nghĩa – Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi thủy sản nước ngọt cho biết, 5 thành viên trong Tổ hợp tác và 3 hộ gia đình nuôi thủy sản khác đã vay 400 triệu đồng (mỗi hộ 50 triệu đồng) từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân với mức phí 0,7%/tháng (8,4%/năm) để đầu tư phát triển. Có thêm vốn, Tổ hợp tác đã đầu tư lồng bè, nuôi các giống cá như trôi, chép, rô phi…
Trong quá trình làm, các thành viên trong Tổ hợp tác chủ động học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá, trồng thêm 0,5ha cỏ voi để làm thức ăn cho cá, đồng thời liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, ngoài việc nuôi thêm các loại cá trắm, thát lát cườm, các thành viên đã bắt đầu thu hoạch các loại cá ngắn ngày, như rô phi, diêu hồng…
|
“Trải qua những khó khăn ban đầu, bây giờ chúng tôi đang có hướng đầu tư thêm vốn để mua máy làm cám viên đồng thời nuôi thêm các loại cá dài ngày, lươn không bùn… để tăng thu nhập. Với kế hoạch đặt ra, chúng tôi có hướng sẽ tiếp tục đáo hạn nguồn vốn vay để đầu tư phát triển” – anh Nghĩa cho hay.
Cũng từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân, các hộ nông dân tại phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum) đầu tư nuôi bò bán công nghiệp. Dẫn chúng tôi ra xem đàn bò béo tốt, ông Lưu Văn Sanh – tổ 2, phường Nguyễn Trãi cho biết, trước đây gia đình ông chủ yếu làm lúa nước, nuôi heo, gà, đến năm 2016, biết đến Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư làm chuồng trại, trồng cỏ và mua 1 con bò lai. Sau 3 năm, ông đã có được 1 cặp bò.
Đầu năm nay, sau khi trả hết số tiền vay, ông cùng với 9 hộ nông dân khác trên địa bàn phường tham gia Tổ hợp tác nuôi bò bán công nghiệp của phường. Ông tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn quỹ để mua thêm bò. Ông Sanh cho biết, vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân không cần phải thế chấp tài sản, thủ tục đơn giản mà lãi suất thấp. Nhờ có nguồn vốn kịp thời, gia đình ông có thêm hướng để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no.
Cũng như các địa phương khác, nhiều năm trở lại đây, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trở thành người bạn đồng hành với các thành viên trong Hợp tác xã Thần Nông (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum). Từ ngày đầu thành lập, cùng với nguồn vốn gia đình, 9 hộ dân trong Hợp tác xã đã tiếp cận với nguồn vốn này. Thời điểm đó, mỗi hộ được vay 30 triệu đồng để xây dựng, phát triển vườn thanh long ruột đỏ.
Sau quá trình hoạt động, các hội viên dần có công việc ổn định, tạo sinh kế cho bản thân, tạo thu nhập cho gia đình. “Từ 9 thành viên, nay Hợp tác xã đã có 12 thành viên. Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã tạo điều kiện cho các thành viên vay 600 triệu đồng. Nguồn quỹ đã trợ lực, giúp hội viên tháo gỡ khó khăn về vốn, có thêm điều kiện để phát triển sản xuất. Ngoài diện tích thanh long ruột đỏ, các thành viên trong Hợp tác xã tiếp tục trồng thêm các loại cây ăn quả khác, như sầu riêng, mít Thái, ổi, bơ booth…. Bây giờ, mỗi thành viên đều có thu nhập ổn định với khoảng 3 triệu đồng/tháng” – anh Phạm Văn Khiêm, Giám đốc Hợp tác xã Thần Nông cho hay.
Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh có nguồn vốn gần 11 tỷ đồng; trong đó nguồn từ ngân sách địa phương khoảng 4 tỷ đồng và nguồn ngân sách từ Trung ương khoảng 7 tỷ đồng. Vừa qua Hội Nông dân tỉnh đã triển khai cho 164 hộ vay với số vốn khoảng 7 tỷ đồng để triển khai các dự án, mô hình, phát triển kinh tế.
Hoài Tiến