Trang trại trái cây tiêu chuẩn GlobalGAP ở huyện Đăk Hà
Hướng đến sản xuất sản phẩm trái cây sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đi Châu Âu, 2 anh Phạm Quang Huy và Phạm Anh Tuấn thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát ở xã Đăk Psi (huyện Đăk Hà) để trồng 300ha cây ăn quả theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Mục tiêu của Công ty đặt ra sau 4 năm là chào bán các loại trái cây như mít, sầu siêng ở tỉnh Kon Tum, đồng thời tìm đối tác xuất khẩu sang Châu Âu.
Đứng giữa trang trại có tổng diện tích khoảng 230ha trồng mít Thái xen lẫn cây sầu riêng và 50ha cây dổi bao bọc xung quanh đang phát triển tốt, anh Phạm Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát chia sẻ, có được thành quả trên, trước đó anh và Ban giám đốc đã quyết định chặt bỏ gần 400ha cao su được 5 năm tuổi với kinh phí đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, để chuyển sang trồng cây ăn trái theo mô hình GlobalGAP.
Theo anh Tuấn, mục tiêu cơ bản trồng sản phẩm cây ăn quả theo tiêu chuẩn GlobalGAP là an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GlobalGAP còn đề cập các vấn đề an toàn, sức khỏe và phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường.
|
Những nông sản đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP nghĩa là được thừa nhận đảm bảo chất lượng trên toàn cầu (được cấp chứng nhận) thì phải trải qua một hệ thống kiểm soát vận hành nghiêm ngặt, tối ưu, và phải tốn thêm một khoản chi phí đáng kể, nhưng những sản phẩm được chứng nhận sẽ dễ dàng tiêu thụ, dễ dàng lưu hành ở mọi thị trường trên thế giới và mang lại lợi nhuận cao hơn sản phẩm thông thường cùng loại. Đặc biệt tất cả người sản xuất, lưu thông, phân phối theo chuẩn GlobalGAP đều có liên đới chịu trách nhiệm với sản phẩm của họ đối với mọi khách hàng trong và ngoài nước.
Với những quy định đạt chuẩn nghiêm ngặt trên, từ năm 2018 đến nay, Công ty Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát đã tuyển dụng hơn 10 kỹ sư nông nghiệp và 100 lao động để đưa đi học tập kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn ở các đơn vị có mô hình trồng cây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trong nước, cũng như có sự tư vấn và hướng dẫn của các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài có liên quan đến việc cấp chứng chỉ này tại Việt Nam.
“Căn cứ vào quy trình, hướng dẫn của các chuyên gia sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, đơn vị đã áp dụng đúng quy định là: Người sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Chẳng hạn như phải làm sạch nguồn đất, đảm bảo độ an toàn nguồn nước; chọn giống cây trồng sạch bệnh; lựa chọn vật tư sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) cũng phải đảm bảo là những thuốc trong danh mục, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc hữu cơ an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, những người liên quan phải ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch và bảo quản để phòng ngừa khi xảy ra sự cố như là ngộ độc thực phẩm hay dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép và có thể truy nguyên được nguồn gốc” - anh Phạm Quang Huy, Giám đốc Công ty nói về quá trình sản xuất.
Gắn bó từ những ngày đầu với Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Tri Phương thông tin, gần 1 năm trồng 230 ha cây sầu riêng Musa King xen lẫn mít Thái với tiêu chuẩn đi xuất khẩu, nên đòi hỏi yêu cầu khâu chăm sóc phải đạt chuẩn cao. Thời gian qua, đơn vị đã đầu tư cho trang trại hệ thống công nghệ tưới phun sương bu áp, cùng đó tất cả các loại phân, chất dinh dưỡng đều được định lượng chính xác, hòa tan trong nước và theo đường nước đến tận từng gốc cây. Hiện tại, trang trại đang có 5.000 quả mít vụ đầu tiên, hứa hẹn cho thu hoạch chào hàng đạt chuẩn đến các công ty chuyên xuất khẩu nông sản sang Châu Âu.
Cùng tham gia chăm sóc thường xuyên cho hàng ngàn cây ăn quả chất lượng cao, chị Y Đoàn ở thôn Đăk Cang Peng, xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) vui vẻ nói: Công việc làm nông ở đây cũng khá nhàn, không phải khuân vác nặng nhọc. Nhưng người làm phải chịu khó học hỏi, theo dõi, áp dụng đúng kỹ thuật tưới nước phun cho cây theo giờ quy định, thực hiện làm cỏ đúng chu kỳ, rồi đi cắm cây le, đi cột cây, xử lý lá trên thân cây đảm bảo cho cây phát triển đều... Công việc như thế đỡ vất vả hơn làm ruộng làm rẫy nhà ở nhà và thu nhập cũng ổn định 5-7 triệu đồng/tháng.
Phó Giám đốc Công ty Phạm Anh Tuấn cung cấp thêm, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 500 tỉ với 4 năm đầu tư bao gồm sản xuất, kinh doanh, xây dựng khu chế biến trái cây xuất khẩu và chi phí quảng bá ra nước ngoài. Đi cùng với mô hình phát triển kinh tế này, đơn vị nhận được sự hỗ trợ vay vốn khoảng 30-40% theo các gói hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh và Trung ương. Hàng tháng luôn được chuyên gia của tổ chức GlobalGAP đến theo dõi, đào tạo và hướng dẫn đội ngũ nhân viên đơn vị nhận thức về quy định của tiêu chuẩn. Tất cả những phần việc trên đã và đang được Công ty triển khai khá thuận lợi, và dự kiến thu hoạch cho cả mít và sầu riêng đạt doanh thu từ năm thứ 5 ổn định trên 2 tỷ đồng/ha/năm.
Qua trò chuyện với Giám đốc Phạm Quang Huy, thì sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GlobalGAP hiện đang được nhiều doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh lựa chọn để có thể tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Đồng thời, với mô hình trang trại hiện có, anh Huy cho hay, đơn vị sẵn sàng đón các hộ dân, đơn vị có nhu cầu đến tham quan và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, nhân rộng mô hình trồng nông sản theo phương thức này, nhằm tạo chuỗi sản phẩm hàng hóa sạch, an toàn cho người tiêu dùng ngay trên quê hương mình.
Mai Trâm