Tích cực xây dựng cánh đồng lớn gắn với ứng dụng công nghệ cao
Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, những năm qua, thành phố Kon Tum tập trung triển khai xây dựng cánh đồng lớn gắn với ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, tạo ra những chuyển biến tích cực về tư duy, phương thức sản xuất, góp phần mang lại diện mạo mới cho lĩnh vực nông nghiệp của địa phương.
Dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng cánh đồng lớn để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền thành phố Kon Tum quan tâm lãnh đạo các ngành chức năng và các địa phương cơ sở triển khai thực hiện.
Theo đó, trước hết, địa phương tiến hành quy hoạch vùng sản xuất gắn với đặc trưng, lợi thế của từng vùng; đưa ra định hướng, phát triển loại cây trồng phù hợp. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trong điều kiện biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; vận động người dân tổ chức sản xuất theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học, xây dựng cánh đồng lớn. Tranh thủ nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng quy mô, thay đổi phương thức sản xuất. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư duy về sản xuất nông nghiệp của người dân; từng bước thay đổi tập quán canh tác, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết để tạo chuỗi giá trị.
|
Với định hướng đúng, cách làm sáng tạo, đến nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum đã hình thành được một số vùng sản xuất theo tiêu chí quy mô cánh đồng lớn đối với các sản phẩm có lợi thế. Đó là, các cánh đồng sản xuất rau an toàn trên địa bàn các phường Thắng Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi với diện tích 15,4ha. Cánh đồng sản xuất lúa Đài Thơm 8 xã Đoàn Kết với quy mô 8,5 ha, năng suất bình quân đạt 65-70 tạ/ha; cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao RVT xã Hòa Bình có diện tích 6,899 ha, năng suất bình quân đạt 7,2 tấn/ha; cánh đồng lớn sản xuất lúa ST24 tại xã Đăk Cấm với quy mô 7ha, năng suất đạt 60 tạ/ha. Vùng sản xuất bắp sinh khối tại xã Kroong với diện tích khoảng 100ha cũng đang được thực hiện. Vùng trồng khoai lang Nhật xen trong vườn cây cao su tái canh trên địa bàn xã Ia Chim với diện tích khoảng 400 ha (năm 2022).
Thành phố Kon Tum cũng đã xây dựng được một số cánh đồng lớn sản xuất cây mì, cao su, mía, cà phê, cây ăn quả, chuối tiêu hồng, trồng thử nghiệm vùng sản xuất sa nhân tím dưới tán rừng tại xã Hòa Bình...
Hiện tại, thành phố Kon Tum tiếp tục xây dựng và hình thành 1 cánh đồng lớn sản xuất lúa với quy mô 5ha tại cánh đồng Hà Gẹt (xã Đoàn Kết); 1 cánh đồng lớn sản xuất mía với diện tích khoảng 80- 100ha tại thôn Plei Klech (xã Ngok Bay); hình thành 1 cánh đồng lớn sản xuất rau với quy mô 5ha tại tổ 4 (phường Thắng Lợi).
Việc thành phố Kon Tum tiến hành xây dựng cánh đồng lớn đã tạo thuận lợi trong việc đưa các loại giống mới vào canh tác, cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại. Các biện pháp thâm canh, canh tác theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, 3 giảm 3 tăng (giảm lượng giống, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả) đã được áp dụng. Từ đó, năng suất các loại cây trồng tăng lên đáng kể; chất lượng nông sản được nâng cao.
|
Trong sản xuất rau, hoa công nghệ nhà lưới, nhà màng, điều khiển nước tưới, ẩm độ, hệ thống tưới thẩm thấu, tưới phun sương tiết kiệm nước và nhân công đã được nhiều hộ ứng dụng. Các mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn và sử dụng giống mới, hệ thống tưới nhỏ giọt ngày càng được nhân rộng. Quy trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cho ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý sâu bệnh, phân bón sinh học đang được nông dân trên địa bàn thành phố Kon Tum chú trọng thực hiện.
Nhằm thúc đẩy quá trình dồn đổi, tích tụ đất đai gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành phố Kon Tum tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp giữa doanh nghiệp đối với người nông dân. Đến nay, đã có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội, đăng ký đầu tư như Tập đoàn TH với dự án xây dựng Cụm nhà máy chế biến dược liệu và Trung tâm giới thiệu sản phẩm dược liệu tại thành phố Kon Tum và đã khảo sát diện tích phát triển cây thức ăn chăn nuôi, phát triển chăn nuôi bò sữa theo chuỗi liên kết giá trị thông qua hợp tác xã; Tập đoàn Lộc trời ký liên kết xây dựng vùng sản xuất bắp sinh khối tại xã Kroong...
Có thể nói, việc triển khai xây dựng cánh đồng lớn gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Kon Tum đã từng bước tạo ra sự dịch chuyển trong sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô, hiện đại. Đây là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần giải quyết “bài toán” về tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản; từ đó giúp gia tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Thiên Hương