Thị trường trái cây: Cuộc cạnh tranh giữa hàng nội và ngoại
Thời gian gần đây, nhiều loại trái cây ngoại nhập được bày bán ngập tràn ở các siêu thị, cửa hàng hoa quả. Điều này một mặt làm cho thị trường trái cây thêm phong phú, đa dạng giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, nhưng mặt khác cũng khiến cho trái cây trong nước phải cạnh tranh khốc liệt.
Nếu như trước đây, một bộ phận không nhỏ người dân thường thích sử dụng các loại trái cây Trung Quốc bởi giá rẻ, mẫu mã đẹp, chủng loại đa dạng thì thời gian gần đây, người dân có xu hướng quay lại với hàng nội. Bởi, về mặt giá cả, trái cây trong nước có giá cả “tương đối dễ chịu”, chủng loại đa dạng và người tiêu dùng cũng yên tâm hơn về chất lượng. Đặc biệt, những loại trái cây theo mùa, chính vụ được khá nhiều người tiêu dùng chọn mua; vì theo người dân, những loại trái cây này sẽ hạn chế bớt việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất kích thích...
Thắng thế so với các mặt hàng trái cây Trung Quốc, nhưng thời gian gần đây trái cây nội lại vấp phải sự cạnh tranh của các mặt hàng trái cây Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand...
|
Tại các siêu thị, các loại trái cây ngoại như lê, táo, nho, cam... được nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau về Việt Nam ngày càng nhiều, với nhiều chủng loại, kích cỡ khác nhau. So với trước đây, giá cả các loại trái cây nhập ngoại hiện nay đã “dễ chịu” hơn rất nhiều, nhưng so với trái cây nội thì vẫn ở ngưỡng khá cao. Chẳng hạn như nho Mỹ, Úc dao động từ 120.000 – 160.000 đồng/kg (tuỳ loại); cam Mỹ khoảng 75.000 – 80.000 đồng/kg, táo Mỹ từ 59.000 - 115.000 đồng/kg (tuỳ loại), lê Hàn Quốc khoảng 90.000 - 110.000 đồng/kg, quýt Thái Lan khoảng 45.000 đồng/kg...
Không chỉ có mặt trong các siêu thị, trái cây ngoại còn được bày bán cả ở những sạp hàng lớn trong các chợ. Giá bán các mặt hàng trái cây ngoại cùng chủng loại ở ngoài chợ luôn rẻ hơn trong siêu thị từ 5.000 -10.000 đồng/kg. Nhưng nhiều người vẫn thích mua hàng ở trong siêu thị hơn vì tin tưởng ở nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, không lo mua nhầm phải trái cây Trung Quốc “đội lốt” sản phẩm của các nước khác.
Mặc dù so với mặt bằng giá bán trái cây trong nước, giá trái cây ngoại nhập cao hơn hẳn, song vẫn được không ít người tiêu dùng, nhất là những người có điều kiện kinh tế chọn mua.
Điều đáng nói là người dân không chỉ mua các sản phẩm trái cây ôn đới mà nước ta không có hoặc ít có như táo, lê, kiwi... mà ngay cả nhiều loại nhiệt đới vốn khá dồi dào vẫn được người dân mua như quýt, dưa hấu, mận, măng cụt... Bởi, theo đánh giá của người tiêu dùng, về mức độ tươi, ngon thì trái cây ngoại hơn hẳn, tem nhãn cũng rõ ràng...
Có thể thấy, trong cuộc chạy đua giữa trái cây nội và trái cây ngoại nhập, các mặt hàng trong nước có lợi thế về giá cả, nhưng lại có phần lép vế về mặt hình thức cũng như độ tin tưởng của người tiêu dùng dành cho sản phẩm. Nguyên nhân là trái cây của ta thường không được chăm chút trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sơ chế… nên khi đến tay người mua thì một số đã bầm dập “không bắt mắt”, chất lượng đã không cao, lại thêm thua về yếu tố hình thức nên càng làm giảm độ tin cậy của khách hàng.
Thêm vào đó, trong thời gian qua, một số người làm ăn bất chính đã sử dụng các loại thuốc nhúng chín, thuốc bảo quản, giữ tươi cho nhiều loại trái cây nội khiến cho người tiêu dùng mất niềm tin vào trái cây nội địa. Chẳng hạn như sầu riêng, mít, chuối... được nhúng chín bằng hoá chất của Trung Quốc; các loại cam, quýt, xoài thì dùng chất bảo quản của Trung Quốc...
Thực tế này cho thấy, để trái cây Việt giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng thì cần nâng cao hơn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; quan tâm tới công nghệ trước và sau thu hoạch để bảo quản lâu hơn mà vẫn tươi ngon. Đây không chỉ là câu chuyện của người trồng mà cần có sự chung tay của cả “4 nhà” trong quá trình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản nói chung và trái cây nói riêng.
Ngọc Thắng