Thị trường khẩu trang y tế: Bớt “nóng”, nhưng vẫn khan hiếm
Gần 1 tháng nay, thị trường khẩu trang y tế tại tỉnh ta vẫn trong tình trạng khan hiếm, cháy hàng. Hầu hết các nhà thuốc, cửa hàng đều không thể nhập được nguồn hàng về để bán cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Doan (tổ 11, phường Quang Trung) chạy lòng vòng đến hơn chục tiệm bán lẻ thuốc tây trên địa bàn thành phố Kon Tum chỉ để tìm mua một hộp khẩu trang y tế chuẩn bị cho con mang đi học trong thời gian tới, nhưng cuối cùng chị vẫn phải ra về tay không.
Khi tôi hỏi, chị Doan thở dài ngao ngán: Hồi đầu tháng 2, khi mọi người đổ xô đi mua khẩu trang y tế, tôi cũng đi mua thì các nhân viên bán thuốc đều nói rằng không nên tranh giành, mua nhiều dự trữ vì chỉ khoảng 5 -7 ngày sau là các nhà sản xuất sẽ có hàng cung ứng. Thế là, tôi chỉ mua 1 hộp 50 cái và nghĩ rằng khi nào dùng hết lại mua; ai ngờ giờ đi đến đâu mua khẩu trang thì ở các cửa hàng, hiệu đều bảo hết hàng.
Cùng chung cảnh ngộ như chị Doan, chị Nga (tổ 17, phường Quang Trung) bộc bạch: Cứ vài ba hôm tôi lại vòng qua các tiệm thuốc để hỏi mua khẩu trang với hy vọng may ra gặp lúc họ mới nhập hàng về thì mình mua ngay. Thế nhưng đi đến đâu cũng chỉ thấy tấm biển “hết khẩu trang” được đặt ngay trước quầy thuốc hoặc nhận được câu trả lời “dạ, hết rồi”. Sắp tới, các con đi học mà không có khẩu trang dùng, tôi lo quá. Vẫn biết khẩu trang vải cũng có tác dụng phòng tránh bệnh, nhưng nhà tôi vốn có thói quen dùng khẩu trang y tế, vì vừa tiện, vừa cho mình cảm giác yên tâm hơn.
|
Nhiều nhà thuốc cho biết, mặc dù người dân không còn đổ xô đi mua khẩu trang như thời điểm Thủ tướng Chính phủ mới công bố dịch Covid-19, nhưng ngày nào cũng có vài chục người đến hỏi. Những ngày gần đây, số lượng người dân tìm mua khẩu trang y tế tăng cao hơn nhằm chuẩn bị để cho con em mình có sử dụng khi đi học trở lại.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, hầu hết các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều cam kết chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nhưng do nguồn hàng cung cấp thiếu hụt nên không có hàng để bán.
Trước tình hình khan hiếm khẩu trang y tế diễn ra trên địa bàn, Sở Công thương đã có kiến nghị với Bộ Công thương làm việc với Hiệp hội Dệt may Việt Nam tăng cường nguồn khẩu trang vải kháng khuẩn. Hiện nay, mặt hàng khẩu trang này đang được bán tại hệ thống siêu thị Co.op Mart nhằm giảm “cơn khát” khẩu trang y tế của người dân.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum nhu cầu mua khẩu trang vải kháng khuẩn trên địa bàn tỉnh ta không thực sự cao. Nguyên nhân là, chưa có nhiều người dân biết đến loại khẩu trang này, mặt khác có một bộ phận không nhỏ người dân vẫn có tâm lý tin tưởng đối với khẩu trang y tế hơn nên cố gắng tìm mua mặt hàng này.
Lợi dụng điều này, thời gian gần đây, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh lén lút đưa ra thị trường những loại khẩu trang giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Một số người dân vì không mua được khẩu trang trên thị trường nên quay sang tìm kiếm trên các trang bán hàng online và địa chỉ bán hàng trên mạng xã hội để mua với giá đắt đỏ, nhưng đôi khi vẫn mua nhầm phải hàng kém chất lượng, hàng giả. Chính vì vậy, người dân cần thận trọng khi mua khẩu trang y tế để tránh “tiền mất, tật mang”.
Cục Quản lý thị trường tỉnh khẳng định, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng xử lý cương quyết đối với các cơ sở, cá nhân có biểu hiện buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, nâng giá các mặt hàng trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, người dân cũng cần hiểu đúng về việc sử dụng khẩu trang trong phòng dịch bệnh Covid-19, không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế mà có thể sử dụng khẩu trang vải, đặc biệt là thực hiện phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn thì việc phòng tránh bệnh mới thực sự hiệu quả.
Ngọc Thắng