Thị trường hàng hóa sau Tết ổn định
Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối dồi dào, không xảy ra hiện tượng khan hiếm, sốt giá cục bộ; nhiều giải pháp để ổn định thị trường, bảo vệ người tiêu dùng vẫn đang được các ngành chức năng thực hiện.
Từ ngày mùng 3 Tết (27/1), các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum bắt đầu họp và các siêu thị cũng mở cửa hoạt động từ ngày mùng 4 Tết (28/1), nhưng phải đến ngày mùng 6 Tết (30/1), hoạt động kinh doanh, buôn bán mới bắt đầu sôi động trở lại. Tại các chợ, siêu thị, nguồn cung hàng hóa, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống khá dồi dào với đủ các mặt hàng như thịt, cá, rau xanh, trái cây... So với thời điểm giáp Tết Nguyên đán, giá cả hàng hóa vào thời điểm sau Tết nhanh chóng ổn định và hiện đã trở lại mức giá ngày thường.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum tại các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum, sau Tết, các mặt hàng có mức giảm giá mạnh nhất so với trước Tết là rau xanh và trái cây. Trong đó, nhiều loại rau củ có mức giá giảm sâu như cà chua giảm từ 15.000 - 20.000đồng/kg xuống còn khoảng 10.000 đồng/kg, đậu ve giảm từ 20.000 - 25.000 đồng/kg xuống còn 10.000 - 15.000 đồng/kg, cà rốt giảm từ 25.000 đồng xuống còn 15.000 đồng/kg, các loại rau ăn lá cũng giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg (tùy loại)... Các loại trái cây hiện đã trở về mức giá bán như ngày thường. Chẳng hạn như quýt đường có giá 35.000đồng/kg, bưởi năm roi 35.000 đồng/kg, bưởi da xanh khoảng 45.000 đồng/kg, xoài ngọt 30.000 - 35.000 đồng/kg... giảm trung bình khoảng 10.000 - 15.000đồng/kg so với những ngày cận Tết.
Từ ngày mùng 6 Tết, các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ được bán ra với giá bình thường, nhưng sức tiêu thụ của người dân chưa cao. Chẳng hạn như mặt hàng thịt heo dù được bày bán khá nhiều, song nhu cầu tiêu thụ của người dân còn cầm chừng. Tùy từng loại thịt như ba chỉ, thịt đùi hay thịt vai, sườn... mà có mức giá bán khác nhau, dao động ở mức từ 110.000 - 150.000 đồng/kg. Thịt gà ta loại ngon có giá khoảng 120.000 - 140.000 đồng/kg. Thịt bò được người tiêu dùng chuộng hơn so với thịt heo, gà và được bán với giá từ 250.000 - 270.000 đồng/kg (đối với thịt đùi). Các loại thủy sản hiện cũng được bán với mức giá khá ổn định, như cá trắm có giá từ 85.000 - 90.000 đồng/kg, diêu hồng 55.000 - 60.000 đồng/kg, tôm từ 170.000 - 220.000 đồng/kg (tùy loại).
Tại các siêu thị, giá cả hàng hoá được duy trì ổn định trong suốt trước, trong và sau Tết nên thu hút khá đông người mua. Mặt khác, hệ thống siêu thị còn được nhiều người tiêu dùng chọn lựa, bởi người dân tin tưởng về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
|
Giá cả thị trường nhanh chóng ổn định những ngày sau Tết đã đem lại niềm vui cho người tiêu dùng, bởi thông thường sau Tết giá cả nhiều mặt hàng tăng cao và giữ mức giá này trong một thời gian dài.
Theo đánh giá của Sở Công thương, tình hình thị trường hàng hóa trước và sau Tết Nguyên đán ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào cả về chủng loại lẫn số lượng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá đột biến. Bên cạnh đó, chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết cũng góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, giúp ổn định thị trường.
Mặc dù giá thành ổn định, hàng hóa phong phú, nhưng sức mua hiện nay chưa cao. Theo nhiều tiểu thương chia sẻ, do lượng thực phẩm dự trữ của người dân từ trong Tết vẫn còn, dự báo sau ngày mùng 10 tháng Giêng trở đi sức mua mới tăng dần.
Nhìn chung, so với thời điểm trước và trong Tết, những ngày sau Tết, giá cả các mặt hàng ổn định. Hiện các lực lượng chức năng trong tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Ngọc Thắng