Thị trường đồ dùng dành cho trẻ em: Người tiêu dùng chuộng hàng Việt
Hiện nay, các mặt hàng đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em sản xuất trong nước đang ngày càng được người dân ưu tiên lựa chọn. Trước nhu cầu đó, các nhà sản xuất, kinh doanh đã có nhiều nỗ lực để đưa ra thị trường nhiều mẫu mã, chủng loại khiến thị trường đồ dùng trẻ em ngày càng đa dạng, phong phú.
Dạo một vòng qua các cửa hàng bán đồ cho trẻ em trên địa bàn thành phố Kon Tum có thể thấy, các sản phẩm mang thương hiệu Việt được bày bán đa dạng về chủng loại, màu sắc bắt mắt. Theo ghi nhận của chúng tôi, các mặt hàng tập trung vào một số nhóm hàng chính gồm: quần áo, hóa mỹ phẩm, đồ chơi, thực phẩm công nghệ…
Một số tiểu thương cho biết lượng hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế bởi các doanh nghiệp trong nước tích cực cải tiến về mẫu mã, hình thức, chất lượng, nhất là giá thành sản phẩm nên chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Đặc biệt, trong thời gian qua, trước nhiều thông tin một số mặt hàng ngoại nhập như đồ chơi, sữa bột trẻ em... không an toàn, không đảm bảo về chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng nên người dân cũng ngày càng cẩn thận hơn trong việc lựa chọn hàng hoá dành cho con em mình. Để tránh mua phải những mặt hàng Trung Quốc, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; nhiều bậc phụ huynh đã ưu tiên lựa chọn các mặt hàng được sản xuất trong nước, nhất là quần áo, giày dép, sữa...
|
Chị Nguyễn Thị Thi (đường Nguyễn Sinh Sắc, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Việc mua đồ dùng cho các con được gia đình mình rất chú trọng về các yếu tố an toàn trong sử dụng. Tâm lý của mình cũng như nhiều bậc phụ huynh là khi đã mua sắm đồ dùng cho con cái thì không tiếc tiền, nhưng vấn đề quan trọng là hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Có như vậy mới yên tâm khi sử dụng.
Nhiều tên tuổi của các nhà sản xuất trong nước đã khẳng định được niềm tin với người tiêu dùng. Chẳng hạn như với mặt hàng dành cho trẻ được tiêu thụ nhiều nhất là sữa những năm gần đây ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường là những cái tên như Vinamilk, Nutifood, TH, Friesland Campina. Trong khi đó, dòng sản phẩm như xe đẩy, xe tập đi, nôi em bé…tiếp tục ghi dấu của thương hiệu Công ty Nhựa Chợ Lớn và Long Hưng, Duy Tân...
Trong số các mặt hàng Việt dành cho trẻ em hiện nay, mạnh nhất là ở nhóm quần áo – sản phẩm bằng vải. Số lượng các nhà sản xuất cung cấp quần áo, khăn sữa, khăn lông, khăn tắm, yếm, tã vải, giày dành cho trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh lên đến cả trăm đơn vị. Những tên tuổi quen thuộc đang bày bán trong các siêu thị là Anh Khoa, Kiến Vinh, Hiệp Huyền, Hải Oanh, Viza, Phúc Thịnh, Ngọc Nhi, Huỳnh Kim, May Phúc, Phương Quân, Tất Đạt…Ưu thế của hàng Việt ở nhóm này là đa dạng về chủng loại, kiểu dáng đẹp và phù hợp với vóc dáng trẻ em Việt, giá cả hợp lý, chất lượng tốt, phù hợp với túi tiền của số đông người tiêu dùng nên rất được tin tưởng, chọn lựa.
Vài năm trở lại đây, do lo ngại chơi đồ chơi xuất xứ Trung Quốc có khả năng bị nhiễm độc cao nên nhiều phụ huynh đã chuyển sang mua các loại đồ chơi Việt cho con. Khi đồ chơi Trung Quốc bị tẩy chay, các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường, thuyết phục khách hàng nhí bằng mẫu mã, chất lượng và khả năng sử dụng. Trong đó, nổi bật nhất là mặt hàng đồ chơi bằng gỗ đang chiếm được nhiều cảm tình của người tiêu dùng. Trên thị trường hiện có hơn 60 loại đồ chơi khác nhau được sản xuất bằng vật liệu gỗ...
Có thể thấy, thị trường đồ dùng dành cho trẻ em được sản xuất trong nước ngày càng lớn mạnh và được người tiêu dùng ưa chuộng là tín hiệu đáng mừng. Dù vậy, khách quan nhìn nhận, trên thị trường, hàng Việt vẫn còn những “khoảng trống”.
Thực tế cho thấy, đa số các nhãn hàng Việt mới chỉ có mặt ở phân khúc khách hàng bình dân, còn phân khúc cao cấp thì hàng ngoại vẫn cứ chiếm ưu thế. Một số mặt hàng còn ít thương hiệu, nghèo nàn về chủng loại như tã bỉm, đồ chơi trẻ em. Mảng đồ dùng dành cho trẻ như nôi, cũi, xe đẩy, xe tập đi, dụng cụ ăn uống, dụng cụ vệ sinh, hóa mỹ phẩm..., hàng Việt vẫn “lép vế” trước hàng ngoại.
Để người tiêu dùng có thể thể hiện tình yêu đối với hàng Việt, trước hết, các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước cần phải cung ứng cho thị trường lượng hàng hoá dồi dào hơn nữa, có chất lượng, có giá thành hợp lý hơn nữa. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái trà trộn gây mất uy tín của hàng Việt, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn việc kiểm soát thị trường, người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn hàng hoá, nên mua hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tại các cơ sở kinh doanh uy tín…
Thiên Hương