Thị trấn Sa Thầy: Khai hoang, phục hóa ruộng lúa
Những năm gần đây, người dân trên địa bàn thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) tích cực “khai hoang, phục hóa” đất đai để trồng lúa nước. Việc này không chỉ giúp địa phương tận dụng quỹ đất trống để phát triển thế mạnh nông nghiệp mà còn giúp nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho địa phương...
Vào giữa tháng 5, có dịp về thị trấn Sa Thầy, trên đường đi ngang cánh đồng thôn 2, thôn 3 và làng Kà Đừ (thị trấn Sa Thầy) nhiều hộ dân ra đồng để thu hoạch lúa vụ đông xuân, tiếng cười nói rộn ràng trên các thửa ruộng.
Hôm nay trở lại thị trấn Sa Thầy, qua trò chuyện với người quen là “nông dân chính hiệu” ở nơi đây, tôi được biết bên cạnh niềm vui được mùa, người dân vui vì việc khai hoang đất để trồng lúa đã giúp họ có sản lượng lúa nhiều hơn, thêm bảo đảm nhu cầu lương thực, đời sống gia đình cũng khá hơn.
Đến thăm gia đình ông A Díu ở làng Kà Đừ (thị trấn Sa thầy) ông cho biết, vụ mùa này gia đình ông có thêm 500m2 lúa nước từ việc khai hoang khu đất ở bãi đất dọc con sông Đăk Sia nên số lúa gia đình thu hoạch được cao hơn mọi năm.
|
Theo ông A Díu, những năm trước đây, diện tích đất trồng lúa của gia đình ông ít, trong khi gia đình lại đông con nên lúa sản xuất hàng năm không đủ cung cấp gạo ăn cho gia đình. Để giải quyết vấn đề thiếu lương thực, những năm gần đây ông A Díu cùng với một số hộ dân làng Kà Đừ tập trung khai hoang khu vực đất trống bị sạt lở, bồi cát đá gần bờ sông, bờ suối để cải tạo lại trồng lúa nước. Sau khi khai hoang đất ở sát bờ sông Đăk Sia, gia đình ông quyết định đưa vào canh tác lúa nước để giải quyết cái ăn.
“Nhờ đám ruộng khai hoang rộng trên 500m2 ở dưới thôn 3 mà mỗi năm gia đình tôi thu hoạch thêm được khoảng 7 bao lúa khô. Tuy nhiên, đám ruộng nằm sát mép sông nên mỗi năm gia đình tôi chỉ trồng được một vụ lúa nước, thời gian còn lại cũng đành phải bỏ hoang, không dám trồng cây gì vì sợ ngập nước thì coi như mất trắng. Nhưng dù sao một năm trồng lúa được một mùa là gia đình tôi cũng đã vui rồi...” - ông A Díu phấn khởi chia sẻ với chúng tôi.
Cũng giống như gia đình ông A Díu, nhiều năm nay, gia đình ông A Chung ở cùng làng Kà Đừ đã khai phá được 600m2 đất hoang để đưa vào trồng lúa nước.
Ông A Chung cho biết: Ngày trước gia đình tôi chỉ có 1 đám ruộng ruộng nhỏ chỉ vài trăm mét vuông đất để trồng lúa thôi, nhà có 7 khẩu nên có trúng mùa cũng không đủ ăn. Gặp phải năm mất mùa, sau tết là cả nhà phải chạy ăn từng bữa. Nhờ khai hoang thêm được 600m2 đất trồng lúa ở dọc suối Đăk Sia nên những năm gần đây gia đình mình không còn phải lo thiếu gạo ăn nữa.
Dẫn chúng tôi đi bộ dọc theo dòng sông Đăk Sia, ông Nguyễn Đăng Trung - một người dân ở thôn 3 (thị trấn Sa Thầy), chỉ cho tôi những nơi bị sạt lở và cho biết, vào thời điểm giữa mùa mưa (tháng 7, tháng 8 ) nước dâng rất cao, dòng chảy rất mạnh, gây ra sạt lở, có những đoạn dòng nước “nuốt” chửng những đám ruộng màu mỡ của dân. Và, cơn lũ lịch sử gây ra cách đây gần 10 năm đã tàn phá khu vực này dữ dội, nhiều nơi cát đá nằm lởm chởm đến giờ vẫn chưa được khắc phục xong.
Theo ông Nguyễn Đăng Trung, toàn bộ khu đất này vào giữa mùa mưa nước về ngập trắng xóa, khi cơn lũ đi qua sẽ có nhiều cát và đá bồi lấp lại nên cứ sau mùa mưa là người dân ở đây lại phải xúc phần cát đá đó đổ đi nơi khác mới có thể canh tác được. Những gia đình khá giả hơn thuê cả máy ủi vào gạt toàn bộ lớp cát đá bên trên và có những gia đình thì chở đất ruộng từ những nơi khác đổ vào để trồng trọt. Có những hộ gia đình cải tạo đất bằng cách dẫn nước từ suối Đăk Sia chảy trực tiếp vào ruộng và ngâm nước nhiều ngày trong ruộng để lắng đọng đất phù sa mà canh tác. Đối với những nơi mà người dân không thể cải tạo trồng lúa được thì bà con dùng làm nơi chăn thả đàn gia súc...
Ông Trung cho biết thêm, mỗi khi mùa mưa kết thúc, người dân tập trung ra dọc suối Đăk Sia để khai hoang, canh tác. Chỉ sau vài ngày ra quân, những bãi đất hoang xen lẫn cát, đá sẽ trở thành những chân ruộng bậc thang rất đẹp mắt...
Một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy khẳng định, cơn lũ lịch sử 2009 đã làm cho huyện mất rất nhiều diện tích đất canh tác. Tuy nhiên, từ đó đến nay cùng với chính quyền các địa phương, người dân cũng đã dần tự khắc phục được nhiều hecta đất trồng lúa, trong đó có nhiều diện tích đất có thể trồng lúa nước 2 vụ/năm. Hiện nay hệ thống kênh mương thủy lợi cũng đã được huyện quan tâm đầu tư đồng bộ nên không chỉ ở thị trấn Sa Thầy mà bà con nông dân ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện cũng đã tích cực khai hoang ruộng đất để trồng lúa nước. Vì vậy, đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện đáng kể. Mặc dù diện tích đất khai hoang hàng năm tăng không nhiều, nhưng cũng tạo điều kiện cho bà con nông dân, nhất là các gia đình thanh niên mới lập gia đình có quỹ đất để sản xuất...
Có thể thấy, trong thời gian qua, người dân thị trấn Sa Thầy tích cực cải tạo đất hoang để mở rộng diện tích đất nông nghiệp, cải thiện đời sống; qua đó đã hạn chế tình trạng phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất. Đây cũng là một giải pháp hữu hiệu góp phần ổn định lương thực tại chỗ, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sa Thầy cần được nhân rộng...
Bảo Châu