Thành phố Kon Tum: Sẵn sàng ứng phó với thiên tai
Để ứng phó với các sự cố thiên tai, thành phố Kon Tum chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, khắc phục hậu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
|
Với phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hiệu quả”, những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố Kon Tum được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện có hiệu quả và có những chuyển biến tích cực. Theo đó, việc tổ chức phòng, chống thiên tai được chuyển từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa; việc theo dõi, nắm bắt thông tin dự báo được tăng cường; sử dụng nhiều phương thức thông tin tuyên truyền, cảnh báo như công điện, email, fax, qua hệ thống loa truyền thanh, zalo nhóm, giúp các ngành chuyên môn, địa phương cơ sở và người dân kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả... góp phần giảm thiểu được nhiều tác hại của thiên tại, lũ bão
Ông Phan Thanh Nam- Trưởng phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết: Những năm gần đây, diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, nguy cơ rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum, trong năm 2022 bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Mưa bão có khả năng gây lũ quét, sạt lở đất, lũ trên các sông, ngập lụt ở các vùng trũng thấp; gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, nguy cơ có thể đe dọa đến sự an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân. Vì vậy, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa, tránh để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống là nhiệm vụ quan trọng tiếp tục được thành phố Kon Tum đặt ra trong mùa mưa bão năm 2022 nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
|
Theo đó, để chủ động ứng phó với mưa bão, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác; ngay từ đầu mùa mưa, thành phố Kon Tum tiến hành xây dựng phương án phòng chống mưa lớn, lũ bão và giảm nhẹ thiên tai năm 2022 trên địa bàn. UBND thành phố tiến hành củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, phân công nhiệm vụ các thành viên. Chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc theo phương châm “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) và “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện, kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) trong ứng phó với thiên tai.
Bên cạnh đó, từ đầu mùa mưa, các xã, phường và các đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố Kon Tum đã rà soát, tiến hành gia cố, nâng cấp các công trình thủy lợi, các tuyến đường giao thông và những khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở. Xác định vùng trọng điểm, khu vực xung yếu để có phương án ứng phó; chủ động di dời, sơ tán người dân khi sự cố thiên tai xảy ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cho nhân dân thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai; các phương pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với một số loại tình huống khi có thiên tai xảy ra để người dân chủ động thực hiện đã được các cấp, ngành chức năng của thành phố Kon Tum thực hiện.
Trong phòng, chống thiên tai, nhân lực, đặc biệt lực lượng tại chỗ được coi là nòng cốt và đóng vai trò quan trọng. Đây là lực lượng chủ chốt để triển khai phương án ứng phó và tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ tích cực cho chính quyền địa phương và người dân trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Nhất là, vào thời điểm xảy ra sự cố thiên tai thì đây chính là lực lượng phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp trước khi có lực lượng bên ngoài tiếp cận.
Xác định rõ tầm quan trọng của việc bố trí lực lượng ứng phó tại chỗ, hàng năm Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Kon Tum quan tâm chỉ đạo các xã, phường triển khai, xây dựng, củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Đến nay, 21/21 xã, phường của thành phố đều đã xây dựng và hoàn thiện Đội xung kích theo đúng quy định của Trung ương và tỉnh với tổng số 1.270 thành viên.
Dẫu vậy, theo ông Phan Thanh Nam, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố Kon Tum vẫn còn những khó khăn nhất định như nguồn lực thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai đều là kiêm nhiệm, chưa được qua các khóa đào tạo về chuyên môn, lại thường xuyên luân chuyển nên đã ảnh hưởng đến công tác tham mưu cho các cấp lãnh đạo chỉ đạo, xử lý đối với các tình huống thiên tai. Nguồn vốn đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng hạn chế, chủ yếu để tu sửa các hư hỏng…Chính những điều này đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Thời điểm này đã bước vào cao điểm của mùa mưa bão, những diến biến thời tiết luôn khó đoán định. Nhưng tin tưởng rằng, với sự chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng từ phương án, phương tiện, lực lượng của thành phố Kon Tum sẽ góp phần giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và tài sản của Nhà nước trên địa bàn thành phố.
Thiên Hương