Thành phố Kon Tum: Cây trồng héo khô, giếng nước cạn kiệt do hạn hán
Nắng nóng kéo dài, người dân nhiều nơi trên địa bàn thành phố Kon Tum bất lực nhìn ruộng đồng nứt nẻ, cây trồng chết khô, giếng nước cạn kiệt.
Trời nắng nóng kéo dài, 2ha ruộng của gia đình ông A Lăk, thôn Plei Groi, xã Chư Hreng cháy khô. Không thể cứu vãn, ông đành cắt về cho bò ăn.
“2ha này, năm trước, mỗi vụ tôi thu về gần 100 bao lúa, bây giờ thì mất trắng rồi. Mấy tuần trước tôi cũng cố gắng dẫn nước về nhưng suối cũng khô cạn, không có nước. Giờ lúa cháy, tôi đành phải cắt về cho bò ăn” - ông A Lăk xót xa nói.
Gia đình bà Đỗ Thị Đào (75 tuổi) ở thôn 4, xã Chư Hreng cũng có 3 sào lúa bị khô hạn. Bà cho biết, mọi năm mưa sớm, lúa “no” nước, trổ bông đều. Năm nay, trời nắng mấy tháng trời, suối không có nước, đồng ruộng nứt nẻ, lúa cháy khô.
“Tôi trồng lúa ở đây 10 năm rồi, năm 2016 và năm nay mới bị hạn. Giờ thuê máy bơm cũng không có nước nên chúng tôi bất lực nhìn lúa khô cháy thôi. Lúa không cứu được, năm nay lại lỗ tiền công, tiền mua giống” - bà Đào ngậm ngùi.
|
Xã Chư Hreng có 2 con đập Đăk Hnor (thôn 4) và đập Đăk Lái (thôn Kon Hra Klah) phục vụ tưới nước cho khoảng 55ha lúa. Đến nay, đập Đăk Lái đã khô, đập Đăk Hnor cũng không đủ nước tưới.
Để cứu đồng lúa, vừa qua, 22 hộ dân thôn 4 (xã Chư Hreng) phải chung tiền thuê máy múc về nạo vét con đập Đăk Hnor. “Từ lúc nạo vét, chúng tôi cứu được 3ha, còn hơn 3ha không thể cứu được, đành để cháy” - ông Hoàng Văn Lực, tổ trưởng tổ hợp tác dùng nước (xã Chư Hreng) cho biết.
“Đến thời điểm hiện tại, xã có hơn 20ha lúa thiếu nước, khô hạn. Chúng tôi đang huy động bà con nạo vét kênh mương, tiết kiệm nước tưới để cứu diện tích lúa còn lại. Tuy nhiên, nếu trời nắng nóng tiếp tục kéo dài, diện tích lúa cháy khô sẽ còn tăng” - ông Lê Anh Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Hreng nói.
Không chỉ lúa, khoảng 4 sào cà phê của ông A Nghe ở thôn Kon Ngo Klah (xã Chư Hreng) cũng chết héo vì thiếu nước. Ông A Nghe cho biết, dù gia đình đã tích cực tìm nguồn nước giếng, nước suối để tưới nhưng lượng nước vẫn không đủ.
“Đường ống để sẵn, mình túc trực, cứ có nước là tưới. Nước ít, một lần chỉ tưới được vài cây lại hết. Giờ thì cà phê héo khô rồi” - ông A Nghe nói.
|
Xã Đoàn Kết được xem là vựa lúa của cả tỉnh và thành phố Kon Tum, trong vụ đông xuân năm nay, bà con đã xuống giống 240ha lúa nước. Tuy địa bàn có 3 đập chứa nước (Cà Tiên, Tân Điền, Đăk Tía) phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhưng đến thời điểm này các hồ đập đều trong tình trạng khô cạn, trơ đáy, hàng chục ha lúa đang có nguy cơ bị hạn. Để cứu lúa, người dân đã chủ động khoan giếng, góp tiền mua ống, đặt 2 máy bơm chuyền lấy nước từ sông Đăk Bla lên các chân ruộng.
Ông Phan Văn Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo bơm chống hạn phục vụ cho các vùng xa, khó lấy nước. Vì lượng nước lòng hồ Tân Điền, Cà Tiên bị cạn kiệt, nước sông bơm lên cũng không đảm bảo nên việc chống hạn rất khó khăn”.
Tại phường Trần Hưng Đạo, bà Đặng Thị Tâm - Chủ tịch UBND phường cho biết, đến thời điểm hiện tại, khoảng 14ha rau màu và 8ha lúa trên địa bàn phường đã bị khô hạn.“Chúng tôi đã đào thêm 1 cái hồ mới và vận động người dân vét lại 4 cái hồ cũ tại khu vực vùng ruộng cây sung (tổ 6), tuy nhiên vẫn không đủ nước tưới” - bà Tâm cho hay.
|
Theo báo cáo mới nhất của Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, đến ngày 11/3, toàn thành phố có 170,78ha cây trồng bị khô hạn. Nếu tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, diện tích cây trồng bị khô hạn ở một số địa phương, như phường Trần Hưng Đạo, các xã Hòa Bình, Ia Chim, Ngọk Bay, sẽ có khả năng gia tăng.
“Đối với diện tích có nguy cơ bị hạn thuộc các công trình thủy lợi, chúng tôi phối hợp với Ban quản lý các công trình thủy lợi của tỉnh triển khai các biện pháp điều tiết nước hợp lý, tưới tiết kiệm. Đối với diện tích nằm ngoài vùng tưới của các công trình thủy lợi, chúng tôi vận động nhân dân sử dụng các trang thiết bị sẵn có như máy bơm để tham gia phòng chống hạn. Về diện tích bị hạn, chúng tôi thống kê, đảm bảo đầy đủ hồ sơ thủ tục để hỗ trợ đảm bảo theo quy định” – ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết.
Không chỉ trong sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân thành phố Kon Tum cũng đang gặp khó khăn do thiếu nước sinh hoạt.
Cả tuần nay 2 cái giếng trong nhà ông Lê Văn Cần (80 tuổi, tổ 4, phường Trần Hưng Đạo) đều cạn khô, ông phải chạy xe từ nhà vào rẫy để lấy nước.
“Nước giếng ở nhà phải để dành cho việc ăn uống, còn nước giếng trong rẫy lấy về để tắm rửa, sinh hoạt. Năm nào khu vực này cũng thiếu nước” - ông Cần phàn nàn.
|
Giếng nước tại Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo cũng trong tình trạng cạn kiệt. Việc thiếu nước ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh hoạt của y bác sĩ cũng như công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Hiện, nước giếng được ưu tiên để uống, rửa vết thương, rửa các vật dụng y tế..., vườn cây thuốc nam đành để chết khô vì không có nước tưới.
Trước tình trạng thiếu nước trầm trọng, bà Đặng Thị Tâm cho biết, trong thời gian tới, UBND phường sẽ liên hệ mua nước từ Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum để phục vụ nước uống cho bà con.
“Nếu nắng nóng kéo dài, hơn 200 hộ dân trên địa bàn sẽ thiếu nước sinh hoạt. Chúng tôi sẽ ưu tiên đặt các bồn nước (được hỗ trợ từ năm 2016) tại các vị trí thiếu nước trầm trọng, bà con chi trả tiền nước theo giá bán của doanh nghiệp, UBND phường sẽ hỗ trợ tiền vận chuyển“ - bà Tâm nói.
Không chỉ địa bàn phường Trần Hưng Đạo, thôn Ia Hội (xã Đăk Năng) và thôn Hnor (xã Đoàn Kết) cũng đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, đến nay, khoảng 345 người dân tại các phường Duy Tân, Lê Lợi, các xã Đăk Rơ Wa, Ia Chim, Ngọk Bay, Đoàn Kết đã phải đào 190 giếng nước để phục vụ việc sinh hoạt.
Hoài Tiến