Thách thức trong xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng khó khăn
Đến thời điểm này, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ở những xã vùng sâu, vùng xa quá trình thực hiện nhiệm vụ này vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới, hiện toàn tỉnh có 49 xã cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, trong đó có 44 xã đã được công nhận xã nông thôn mới; 5 xã đạt chuẩn từ 15- 18 tiêu chí; 30 xã đạt từ 10- 14 tiêu chí và 1 xã có số tiêu chí đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 16,24 tiêu chí.
Một điều đáng chú ý là, hiện nay, các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới hầu hết là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS với điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều hạn chế, nên gặp phải nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là ở một số “tiêu chí khó” như tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư, số 10 về thu nhập, số 11 về hộ nghèo; với các tiêu chí này ở các xã vùng sâu, vùng xa rất khó thực hiện và tỷ lệ đạt chuẩn rất thấp.
|
Chẳng hạn như xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei), với điểm xuất phát về kinh tế- xã hội trước khi triển khai xây dựng nông thôn mới là rất thấp, nên đến nay, mới đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới, còn 9/19 tiêu chí chưa đạt. Trong đó, khó khăn lớn nhất mà địa phương gặp phải là về vấn đề tăng thu nhập, giảm nghèo, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Theo đó, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Mường Hoong vẫn khá thấp, chỉ đạt 28,6 triệu đồng. Thu nhập thấp kéo theo tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức cao, toàn xã hiện còn tới 26,39% hộ nghèo và 16,45% hộ cận nghèo, trong khi đó, theo quy định xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí “nghèo đa chiều” đối với xã đặc biệt khó khăn là 13%. Bên cạnh đó, do đời sống người dân khó khăn nên tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em còn cao, lên tới 54,6%, trong khi theo tiêu chí 15 về y tế thì chỉ tiêu này phải đạt dưới 24%.
Tương tự ở xã Văn Lem (huyện Đăk Tô), qua rà soát, hiện địa phương mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí nông thôn mới. Do đó, để thực hiện đạt mục tiêu về đích nông thôn mới vào năm 2024, xã Văn Lem cần phải thực hiện đạt 12 tiêu chí. Đây là thách thức lớn với địa phương; trong đó, “nút thắt” lớn nhất là các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo.
Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã Văn Lem mới chỉ đạt khoảng 21 triệu đồng, trong khi theo quy định của Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, để đạt được tiêu chí này thì thu nhập bình quân đầu người năm 2024 phải là 50 triệu đồng và năm 2025 là 53 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo hiện tại của xã là 18,08%, hộ cận nghèo là 6,35%, như vậy trong năm nay, Văn Lem phải giảm được 11,43% tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo.
|
Theo đánh giá Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do điều kiện kinh tế- xã hội ở nhiều nơi còn khó khăn, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, trong khi quy mô sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, nên thu nhập của người dân còn thấp và bấp bênh. Giao thông đi lại ở một số vùng không thuận tiện, giao thương, trao đổi hàng hóa bị hạn chế, nên việc thực hiện tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gặp nhiều khó khăn, ngay cả với một số xã đã được công nhận đạt chuẩn khi rà soát lại. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn thuộc tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trong tiêu chí số 15 về Y tế cũng là rào cản đối với quá trình xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng xa- nơi có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.
Thực tế, ngay cả 7 xã được đề ra trong mục tiêu phấn đấu hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới trong năm 2024- nơi có nhiều thuận lợi hơn, vì được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, ưu tiên hỗ trợ để về đích nông thôn mới, nhưng vẫn đang còn “ngổn ngang khó khăn”. Hiện tại, 4/7 xã chưa đạt tiêu chí về thu nhập, 5/7 xã chưa đạt về nghèo đa chiều, 4/7 xã chưa đạt về nhà ở dân cư. Trong khi đó, các tiêu chí này lại có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì thu nhập của người dân thấp dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao, không có điều kiện để xây dựng nhà cửa kiên cố, không có điều kiện để thực hiện các tiêu chí khác.
Mục tiêu của tỉnh đề ra là đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 60 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở tỉnh chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương, việc huy động tham gia ngoài ngân sách là rất ít, bởi địa bàn không thuận lợi nên không thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào đầu tư tại khu vực nông thôn; đời sống người dân còn nghèo nên huy động nhân dân tham gia đóng góp rất khó khăn, chủ yếu là tham gia ngày công, hiến đất giải phóng mặt bằng chính là những trở ngại không hề nhỏ trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Chính vì vậy, để nâng cao số lượng, chất lượng các xã, thôn vùng khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng lòng từ người dân ở mỗi địa phương.
Thiên Hương