Thách thức tăng thu nhập và giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới
Năm 2022 là năm đầu triển khai thực hiện, đánh giá xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 với nhiều nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí yêu cầu tương đối cao. Điều này đặt ra nhiều thách thức với các địa phương trong quá trình thực hiện chương trình, đặc biệt là thu nhập và nghèo đa chiều.
Từ khi xây dựng nông thôn mới đến nay, diện mạo xã Ngọk Tụ (huyện Đăk Tô) đã có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Nhưng câu chuyện về đích nông thôn mới vẫn vô cùng gian nan.
Đặt mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, nhưng Ngọk Tụ đã “lỡ hẹn” vì không thể hoàn thành các tiêu chí và phải lùi kế hoạch đến năm 2022. Thế nhưng, đến thời điểm này, xã cũng mới chỉ có 14/19 tiêu chí đạt chuẩn, còn lại 5 tiêu chí chưa đạt chuẩn, trong đó, thách thức lớn nhất là việc thực hiện tiêu chí thu nhập và nghèo đa chiều.
|
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Ngọk Tụ mới chỉ đạt 36,2 triệu đồng/người (vào cuối năm 2021); còn cách tiêu chuẩn nông thôn mới tới 7,8 triệu đồng/người. Thu nhập thấp, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao, (cuối năm 2021 là 26,09%). Kinh tế khó khăn, người dân không có điều kiện đầu tư xây dựng nhà ở, nên tiêu chí số 9 về nhà ở cũng chưa thể thực hiện được; toàn xã còn 2 nhà tạm, nhiều nhà chưa đạt theo tiêu chuẩn; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng cao hơn so với quy định.
Tại huyện Kon Plông, địa phương này phấn đấu xây dựng xã Ngọk Tem đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022. Dù hiện tại, Ngọk Tem đã cơ bản đạt chuẩn 15/19 tiêu chí, nhưng xã xác định khó có khả năng về đích như kỳ vọng. Bởi trong 4 tiêu chí còn lại chưa đạt chuẩn thì tiêu chí số 10 về thu nhập và số 11 về nghèo đa chiều gần như chắc chắn không thể đạt.
|
Theo đánh giá của Văn phòng điều phối nông thôn mới, quy định đạt chuẩn về tiêu chí nghèo đa chiều của chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022 là 13%, nhưng hiện tỷ lệ hộ nghèo của Ngọk Tem quá cao, đầu năm toàn xã còn tới 77,61% (548/920 hộ) và mức thu nhập bình quân chỉ 27 triệu đồng/người vào năm 2021, thấp hơn quy định tới 17 triệu đồng/người. Cho dù huyện Kon Plông đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực, tranh thủ nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Trung ương và tỉnh, nhưng là một xã vùng sâu, vùng xa, người dân hầu hết là đồng bào DTTS sống bằng nghề nông, song sản xuất nông nghiệp lại manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp nên việc nâng cao thu nhập và giảm nghèo trong thời gian ngắn là “bài toán khó” với xã Ngọk Tem.
Cũng chung khó khăn như 2 xã Ngọk Tụ và Ngọk Tem, việc thực hiện tiêu chí thu nhập và nghèo đa chiều cũng là vấn đề khiến Đảng ủy, chính quyền xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) luôn trăn trở. Hiện toàn xã còn tới 196 hộ nghèo, (chiếm 34,9% tổng số hộ) và 85 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2021 cũng chỉ đạt 28,84 triệu đồng.
|
Nguyên nhân mà đa số các địa phương đang gặp phải là do điều kiện kinh tế - xã hội nhiều nơi còn khó khăn, thu nhập chính của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, trong khi quy mô sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún; chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Giao thông đi lại nhiều vùng không thuận tiện nên việc giao thương, trao đổi hàng hóa bị hạn chế. Thế nên, thực hiện tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 khiến các xã chưa đạt chuẩn gặp nhiều khó khăn, thậm chí ngay cả với nhiều xã đã đạt khi “xét lại”.
Thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ khó, nhưng lại là những tiêu chí hàng đầu trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cùng với việc tập trung, tranh thủ, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước; các địa phương cần nỗ lực, chủ động hơn nữa trong việc khai thác thế mạnh, điều kiện thuận lợi ở cơ sở và hơn hết là tích cực thay đổi tư duy, khơi dậy ý thức, nghị lực vươn lên thoát nghèo của người dân.
Thiên Hương