Không để “đứt gãy” công việc khi thực hiện tinh gọn bộ máy
Trong thời gian này, “tinh gọn bộ máy” là chủ đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân. Cùng với sự đồng tình, ủng hộ, người dân mong muốn tinh gọn bộ máy nhưng không để ngắt quãng công việc, ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.
Đây cũng là yêu cầu mà Đảng, Nhà nước đặt ra đối với quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hướng tới xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh, khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy phải có giải pháp, bước đi, lộ trình bảo đảm bộ máy hoạt động liên tục, thông suốt, không bỏ trống thời gian, địa bàn, lĩnh vực; bộ máy mới đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhiều lần lưu ý các bộ, ngành, địa phương, khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy vẫn phải đảm bảo hệ thống vận hành liên tục, phục vụ nhân dân không đứt quãng; không để xảy ra tình trạng thờ ơ, lơ là với công việc, hay phát sinh tiêu cực.
Việc hợp nhất các cơ quan, đơn vị có chức năng tương đồng là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được hiệu năng cao. Hiệu quả cuối cùng là yếu tố quan trọng nhất phản ánh kết quả thực tiễn của công tác cải cách bộ máy của hệ thống chính trị.
Điều này không chỉ giúp bộ máy trở nên gọn nhẹ hơn, linh hoạt hơn, đảm bảo công tác quản lý đạt được kết quả tốt nhất, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội mà còn củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, đồng thời tạo tiền đề để phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
|
|
Tinh thần “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở” trong thực hiện sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy trong thời gian qua phản ánh quyết tâm chính trị cao độ, cũng như sự nỗ lực, đồng bộ của các cấp, các ngành, hướng tới xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và hiện đại.
Ở tỉnh ta, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang được triển khai quyết liệt. Cấp huyện theo thẩm quyền của mình để lên phương án sáp nhập các phòng, không ngồi chờ phương án sáp nhập các sở của tỉnh. Cấp tỉnh có phương án triển khai mà không chờ sự hoàn thiện phương án sáp nhập các bộ ở Trung ương.
Ngày 25/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ký ban hành Công văn số 4684/UBND-NC chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo đó, đã chỉ rõ 10 sở được hợp nhất, 5 cơ quan được duy trì.
Tại Kết luận 03-KL/BCĐ ngày 6/1, Ban Chỉ đạo tỉnh về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thống nhất nội dung các dự thảo: Đề án sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy; Đề án kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh để thành lập Đảng bộ cơ quan đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp và Đảng bộ chính quyền tỉnh. Đồng thời thống nhất chủ trương nghiên cứu sáp nhập một số hội thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh theo đề nghị của Ban cán sự đảng UBND tỉnh.
Có thể khẳng định, việc sắp xếp tổ chức bộ máy là chủ trương đúng nhằm tinh gọn đầu mối, giảm người ăn lương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị. Thuận lợi lần này là cả 3 cấp Trung ương, tỉnh, huyện cùng thực hiện. Trung ương nêu gương làm trước, tỉnh có thể nghiên cứu áp dụng; tỉnh làm thì huyện có thể nghiên cứu để thực hiện phù hợp.
Nhưng không thể phủ nhận, khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy đi cùng với tinh giản biên chế ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương sẽ có rất nhiều người bị ảnh hưởng. Từ đó khó tránh khỏi nảy sinh tâm tư, vướng mắc trong tư tưởng ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Một trong số đó là, khi bộ máy được sắp xếp lại, tinh gọn và hiệu quả, khối lượng công việc sẽ nhiều hơn, vì trước đây nhiều người làm một việc, nay một người làm nhiều việc. Thế là nảy sinh tư tưởng “mặc kệ”, làm đến đâu hay đến đấy, gây ùn tắc, “đứt gãy” công việc.
Hoặc một số người có tư tưởng đủng đỉnh, chờ sắp xếp; chán nản, không còn muốn làm việc, chờ đến ngày nhận quyết định nghỉ hưu. Nên việc cứ bỏ đấy, dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm. Thậm chí cản trở, “tranh thủ” nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp, làm giảm đáng kể tính hiệu quả và năng suất hoạt động, làm giảm niềm tin của người dân và gây bức xúc trong dư luận.
Chưa kể đến tâm lý e ngại thay đổi, thói quen làm việc cũ kỹ, thiếu sáng tạo ở một bộ phận cán bộ, công chức; tư duy cục bộ, thiếu sự thống nhất trong việc thực hiện các nghị quyết và chính sách có “cơ hội” tồn tại dưới “mác” chờ sắp xếp, tinh gọn.
Vì vậy, cần xác định ngay từ đầu, chỉ có cải cách tổ chức bộ máy mới giúp cho các cơ quan, đơn vị tinh gọn và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Trong quá trình sáp nhập, sắp xếp lại bộ máy chắc chắn sẽ có những biến động về nhân sự. Cho nên, người đứng đầu các đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu tiên phong, chỉ đạo sát để vượt qua tâm lý ngại thay đổi, không để gián đoạn công việc do thực hiện sắp xếp.
Cùng với quyết tâm cao, chủ động, sẵn sàng triển khai thực hiện tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, công việc vẫn phải thông suốt, không được trì trệ. Kịp thời nắm bắt, làm tốt công tác tư tưởng, chấn chỉnh các biểu hiện sai lệch, tuyệt đối không để đứt gãy, trì trệ, gián đoạn công việc vận hành bộ máy, dù chỉ là thời gian ngắn nhất.
Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc mình đang đảm nhiệm; không được để tâm lý dao động, sao nhãng nhiệm vụ, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
Sông Côn