Tăng cường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế
Cùng với việc tăng cường cải cách hành chính để tạo niềm tin ngay từ ban đầu cho nhà đầu tư, những năm qua, tỉnh ta ban hành nhiều chủ trương và dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y để mời gọi các nhà đầu tư.
Tỉnh Kon Tum hiện có 4 khu, cụm công nghiệp (gồm Khu công nghiệp Hòa Bình, Khu công nghiệp Sao Mai, Khu công nghiệp Đăk Tô, Cụm công nghiệp Đăk La) và Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y. Các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế bước đầu có sự phát triển ổn định; hạ tầng được Nhà nước quan tâm đầu tư cùng với các dự án đầu tư kinh doanh được các doanh nghiệp triển khai, góp phần tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong điều kiện không có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh lân cận, tỉnh và Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh xác định muốn tạo được đột phá để thu hút đầu tư phải bắt đầu từ cải cách hành chính. Chính vì thế, những năm gần đây, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi được tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả.
Ông Vũ Mạnh Hải - Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết: Các doanh nghiệp muốn đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh và Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y chỉ cần liên hệ với một đầu mối duy nhất là Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh và được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tất cả các thủ tục hành chính đều được thực hiện tại đây theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Các thủ tục được giải quyết nhanh gọn, chính xác với thời gian thực hiện không quá 2/3 thời gian quy định. Riêng với những thủ tục không phải lấy ý kiến cơ quan khác, Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh đều giải quyết ngay trong ngày.
|
Cùng với việc tăng cường cải cách hành chính để tạo niềm tin ngay từ ban đầu cho nhà đầu tư, những năm qua, tỉnh ta ban hành nhiều chủ trương và dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y để mời gọi các nhà đầu tư. Đặc biệt, năm 2019, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 9/1/2019 về triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, lĩnh vực đột phá thứ nhất là tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ, nhất là trên địa bàn thành phố Kon Tum; đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ; trong đó chú ý công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu và hệ thống xử lý nước thải trong khu, cụm công nghiệp.
Để xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp, thời gian qua tỉnh ta nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng với phương châm đầu tư phân kỳ, chọn hạng mục thi công, vừa xây dựng vừa kêu gọi, tiếp nhận các dự án đầu tư. Đến nay, tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, 3 khu công nghiệp và Cụm công nghiệp Đăk La đã có 93 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 3.386,3 tỷ đồng. Trong đó, riêng Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y với 63 dự án, Khu công nghiệp Hòa Bình giai đoạn I đã được lấp đầy với 33 dự án.
Theo đánh giá của Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y có quy mô 70.438 ha, được xác định là khu kinh tế động lực, trung tâm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam- Lào- Campuchia. Khu kinh tế này có vị trí rất thuận lợi đối với giao lưu phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm của các nước (có 1 cửa khẩu Quốc tế với Lào và 1 cửa khẩu Quốc gia Campuchia), là điểm nhấn trong chiến lược liên kết nhằm tạo cơ hội hợp tác, phát triển đồng đều giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông, là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và Myanmar.
Do đó, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y được tỉnh chú trọng đầu tư và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2015 - 2019, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y ước đạt khoảng 1,035 tỷ USD, tăng 62% so với giai đoạn 2010- 2014; số hành khách xuất nhập cảnh đạt khoảng 1,53 triệu lượt người, phương tiện xuất nhập cảnh đạt khoảng 196 nghìn lượt, tổng thu ngân sách đạt khoảng 1.152 tỷ đồng, tăng 49,2 % so với giai đoạn 2010 – 2014.
|
Khu công nghiệp Hòa Bình (thành phố Kon Tum) giai đoạn I có quy mô 59,22 ha, đến nay đã lấp đầy 100% diện tích; hiện đang triển khai giai đoạn II với quy mô diện tích 70 ha. Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã lập thủ tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật như hệ thống xử lý nước thải và hệ thống giao thông nội bộ để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư vào khu công nghiệp này trong giai đoạn tới.
Khu công nghiệp Sao Mai (thành phố Kon Tum) có quy mô xây dựng 150 ha; hiện tại đã có khoảng 50% diện tích được bồi thường giải phóng mặt bằng. Khu công nghiệp Sao Mai được quy hoạch phát triển gắn với phát triển dân cư, mở rộng không gian đô thị phía Nam thành phố Kon Tum. Khu công nghiệp này đang được UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống giao thông nội bộ.
Các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đều được bố trí hài hòa và phù hợp giữa các vùng kinh tế của tỉnh và khu vực; nằm dọc theo các tuyến quốc lộ cơ bản đảm bảo được sự gắn kết về hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu, cụm công nghiệp nên rất thuận lợi trong việc cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.
Theo đánh giá của các nhà quản lý và các chuyên gia kinh tế, việc phát triển khu, cụm công nghiệp gắn liền với việc xây dựng mở rộng đô thị - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Kon Tum phù hợp mục tiêu phát triển khu công nghiệp của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hoạt động của khu công nghiệp, gắn kết giữa phát triển khu công nghiệp với quá trình đô thị hóa tại các địa phương.
|
Cùng với các chính sách tạo thuận lợi, thu hút đầu tư, tỉnh, Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Kon Tum đã xây dựng được môi trường đầu tư an toàn, thân thiện ở các khu, cụm công nghiệp và Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng được đổi mới, mỗi năm không quá một lần/cơ sở và chỉ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở khi có dấu hiệu sai phạm nhằm giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp, tăng sức hút đối với các nhà đầu tư.
Có thể nói, sự hình thành và phát triển Khu công nghiệp Hòa Bình, Khu công nghiệp Sao Mai, Khu công nghiệp Đăk Tô, Cụm công nghiệp Đăk La và Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Thiên Hương