Tăng cường quản lý việc nuôi, trồng các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm
Thực hiện Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính Phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, rà soát các cơ sở nuôi, trồng các loài động, thực vật hoang dã, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh.
Ông Lại Đức Hiếu - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 25 cơ sở nuôi, trồng động, thực vật hoang dã, quý, hiếm và 1 cơ sở nuôi, trồng động, thực vật hoang dã, quý, hiếm để bảo tồn (Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray).
Trong 26 cơ sở này, có 16 cơ sở nuôi, trồng động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIA, IIB/động, thực vật hoang dã, quý, hiếm thuộc phụ lục II CITES và 10 cơ sở nuôi, trồng động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm I/động, thực vật hoang dã, quý, hiếm thuộc phụ lục I CITES.
Với 16 cơ sở nuôi, trồng động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIA, IIB/động, thực vật hoang dã, quý, hiếm thuộc phụ lục II CITES, có 8 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB/động vật hoang dã, quý, hiếm thuộc phụ lục II CITES (cầy vòi hương, cầy vòi mốc, rùa đất sê-pôn, rùa đất pul-kin, rắn ráo trâu, cua đinh) và 8 cơ sở trồng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIA (đẳng sâm và trắc).
Với 10 cơ sở nuôi, trồng động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm I/động, thực vật hoang dã, quý, hiếm thuộc phụ lục I CITES, ngoài Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật có 2 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB/động vật hoang dã, quý, hiếm thuộc phụ lục I CITES (cá sấu nước ngọt) và 7 cơ sở trồng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IA (sâm Ngọc Linh và lan kim tuyến).
Ông Lại Đức Hiếu chia sẻ, thực hiện các quy định của Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên tiến hành phối hợp với Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố Kon Tum và các Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra các cơ sở nuôi, trồng các loài động, thực vật hoang dã, quý, hiếm trên.
|
Đối với các cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ, đoàn đã hướng dẫn, phổ biến các chủ cơ sở đảm bảo các điều kiện an toàn về chuồng trại, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và xây dựng phương án phòng ngừa, xử lý tình huống động vật tấn công người hoặc thoát khỏi môi trường có kiểm soát.
Đối với 16 cơ sở nuôi, trồng động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIA, IIB/động, thực vật hoang dã, quý, hiếm thuộc phụ lục II CITES, đoàn hướng dẫn các chủ cơ sở lập hồ sơ gửi về Trung tâm hành chính công tỉnh Kon Tum đề nghị Chi cục Kiểm lâm cấp mã số nuôi, trồng. Đồng thời, hướng dẫn mở sổ và cập nhật vào sổ theo dõi hoạt động nuôi, trồng/nhân giống đúng theo quy định.
Đối với 10 cơ sở nuôi, trồng động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm I/động, thực vật hoang dã, quý, hiếm thuộc phụ lục I CITES, đoàn hướng dẫn các chủ cơ sở lập hồ sơ gửi Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi, trồng. Đồng thời, hướng dẫn mở sổ và cập nhật vào sổ theo dõi hoạt động nuôi, trồng/nhân giống tương tự như 16 cơ sở nuôi, trồng động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIA, IIB/động, thực vật hoang dã, quý, hiếm thuộc phụ lục II CITES.
“Ngoài phối hợp các đơn vị tổ chức kiểm tra, Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên cũng lồng ghép các chương trình công tác để tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giúp người dân, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng nắm bắt được các quy định và những điểm mới của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP”- ông Lại Đức Hiếu nói.
Trên địa bàn huyện Kon Plông hiện nay không có cơ sở nuôi động vật, chỉ có 8 cơ sở trồng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (1 cơ sở trồng lan kim tuyến, nhóm IA; 7 cơ sở trồng đẳng sâm, nhóm IIA) với số lượng 3.063.000 cây trên tổng diện tích 27ha tại thị trấn Măng Đen và xã Măng Cành.
Ông Lê Hữu Có - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông cho hay, thực hiện Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với các ban, ngành các xã, thị trấn thường xuyên đi tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các cơ sở trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về hoạt động, đồng thời gửi Công văn hướng dẫn các cơ sở lập hồ sơ đề nghị đăng ký mã số cơ sở trồng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Đến nay, đã có 1 cơ sở được cấp mã số (Công ty TNHH Thái Hòa - Trung tâm bảo tồn và phát triển dược liệu Kon Plông được cấp vào ngày 26/8/2019), các cơ sở còn lại đã gửi hồ sơ và đang chờ Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp mã số.
Có thể thấy, việc thực hiện đúng các quy định của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP không chỉ giúp công tác quản lý, bảo tồn được thực hiện thuận lợi và chặt chẽ, mà còn nâng cao giá trị, uy tín cho các cơ sở nuôi, trồng động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm và các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục CITES trên địa bàn tỉnh.
Đức Thành