Sa Thầy: Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng
Phát huy lợi thế của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tại địa bàn, huyện Sa Thầy đã hỗ trợ đồng bào DTTS làng Ba Rờ Gốc, xã Sa Sơn trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Kết quả bước đầu triển khai mô hình hứa hẹn tạo sinh kế giảm nghèo bền vững trên cơ sở khai thác thế mạnh lâm nghiệp, góp phần thực hiện chủ trương phát triển cây dược liệu thành một trong số sản phẩm chủ lực của tỉnh Kon Tum.
Căn cứ vào đặc điểm địa hình, địa bàn và điều kiện tự nhiên của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, cây dược liệu đầu tiên được huyện Sa Thầy chọn để xây dựng mô hình hỗ trợ bà con thôn Ba Rờ Gốc trồng dưới tán rừng là sa nhân tím. Đây là loại cây dược liệu thuộc họ gừng, có khả năng sinh trưởng và phát triển dưới tán rừng có cường độ ánh sáng khoảng 50%. Quả sa nhân tím chẳng những có tác dụng làm thuốc chữa các bệnh về đường ruột mà còn được dùng chiết xuất tinh dầu làm hương liệu thực phẩm, mỹ phẩm; có giá trị hàng hóa không chỉ trong phạm vi nội địa mà còn xuất khẩu.
Tháng 6/2017, gia đình anh A Ban được cấp cây giống và hướng dẫn kỹ thuật để trồng 1.800 cây sa nhân tím trên diện tích 1,5ha rừng theo quy hoạch phân khu dịch vụ hành chính Vườn Quốc gia. Được làm cỏ, bỏ phân và chống cháy cẩn thận trong mùa khô 2018, diện tích sa nhân sinh trưởng khá đều. “Cũng mong gần 2 năm nữa đến kỳ thu hoạch, gia đình sẽ có thêm thu nhập. Nếu giá cả được nữa thì còn nhân giống ra thêm...” - anh A Ban chia sẻ.
|
Theo bà Nguyễn Thị Diệu - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy, mùa mưa năm 2017, mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng đã được Phòng NN&PTNT huyện đã chủ trì tiến hành, hỗ trợ 10 hộ dân tại thôn Ba Rờ Gốc trồng 20ha tại khu vực quy hoạch phân khu hành chính Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Đánh giá ban đầu, sa nhân được xuống giống đạt tỷ lệ cây sống trên 80%, khả năng sinh trưởng tốt. Khoảng 60% diện tích cây sa nhân trồng mới đã phát triển thành bụi. Đó là cơ sở để sắp tới, các hộ trồng sa nhân tím có thể tách cây, nhân giống trên diện tích đã được hỗ trợ. Căn cứ vào kết quả này, mùa mưa năm nay, Phòng NN & PTNT huyện tiếp tục hỗ trợ 10 hộ trồng 15ha, cũng theo cách thức tương tự với định mức hỗ trợ 50% số lượng hom giống – 1.200 hom/ ha, hỗ trợ phân bón (NPK) 80kg/ha. Như vậy, đến nay, đã có 20 hộ ở thôn Ba Rờ Gốc được hỗ trồng 35ha sa nhân tím, với tổng kinh phí 315 triệu đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khuyến nông địa phương.
Cùng với hỗ trợ trồng sa nhân tím, năm nay, huyện Sa Thầy cũng đầu tư 100 triệu đồng xây dựng mô hình thí điểm hỗ trợ 5 hộ dân thôn Ba Rờ Gốc trồng thử nghiệm 0,15ha cây sâm cau. Sâm cau thuộc loại thân thảo thuộc họ tỏi voi lùn, được dùng chế biến dược liệu có tác dụng tăng lực, kích thích miễn dịch, chống loãng xương, chống độc cho gan, hạ đường máu...
Chị Y Bdát được cấp 2.400 cây giống sâm cau để trồng mới cho hay: Làm đất kỹ, bỏ phân đủ, trồng sâm cau không có gì khó. Mấy hộ mình được giúp đỡ để trồng, vui mừng lắm. Mong sao bán có tiền, cho thêm nhiều hộ nữa được trồng cây này.
Thôn Ba Rờ Gốc hiện có hơn 100ha rừng được giao khoán quản lý, bảo vệ theo Quyết định 304/2005/QĐ-TTg. Các hộ thuộc 4 thôn của xã Sa Sơn cũng đã nhận khoán bảo vệ 200ha rừng tự nhiên theo Quyết định số 178 của Thủ trướng Chính phủ. Vì vậy, thành công của mô hình trồng sa nhân tím và sâm cau sẽ mở ra cơ hội để bà con thôn Ba Rờ Gốc nói riêng và xã Sa Sơn nói chung đưa diện tích dưới tán rừng vào trồng dược liệu, tạo sinh kế bền vững.
Bài, ảnh: Thanh Như