Sa Thầy: Đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, huyện Sa Thầy đã huy động các nguồn lực, sức dân và cả hệ thống chính trị vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo ra những chuyển biến căn bản ở nông thôn...
Đến từng xã, từng thôn, làng trên địa bàn huyện Sa Thầy, chúng tôi nhận thấy dấu ấn chương trình xây dựng nông thôn mới rõ nét. Đường bê tông giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng... được đầu tư xây dựng hay sửa chữa khang trang hơn trước.
Không giấu được niềm vui, già A Nhum, làng Đăk Tăng, xã Sa Nghĩa nói: Được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện và chính quyền địa phương trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, người dân đang nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Trong thôn, dân làng đang phát triển mạnh cây cà phê, nuôi bò, đánh bắt thủy sản... Đời sống của người dân bây giờ có nhiều đổi thay, không còn khó khăn như trước. Riêng gia đình tôi được hỗ trợ sản xuất, chuyển giao kỹ thuật nên trồng được 3ha cà phê. Gia đình tôi cũng như dân làng còn được hỗ trợ thuyền, lưới đánh bắt cá, cuộc sống được cải thiện hơn xưa nhiều.
Đến làng Tum, xã Ya Ly, tôi thấy cây cao su, cà phê, cây ăn quả... phủ kín các sườn đồi. Chỉ tay về phía các vườn cao su, cà phê của dân làng trải dài các dãy đồi, anh A Phin hào hứng kể: Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, hiện nay, ở làng Tum có khoảng 90% số hộ gia đình trồng cao su và cà phê. Gia đình tôi cũng trồng được 3ha cao su, 1ha cà phê... Nhà nào có cao su đi vào khai thác thì không còn phải lo cái ăn, cái mặc nữa, cuộc sống gia đình ổn định và phát triển. Kinh tế phát triển, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác có điều kiện để đóng góp tiền của, công sức sửa chữa nhà rông, làm đường giao thông nông thôn mới...
|
Ở các xã đạt nông thôn mới, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang hơn. Tại làng Ba Rgốc, xã Sa Sơn, chúng tôi thấy nhiều tuyến đường giao thông dọc ngang trong làng được bê tông hoá. Trên cánh đồng, hệ thống thủy lợi được bê tông hóa, bảo đảm nước tưới cho đồng ruộng.
A Rứ (ở làng Ba Rgốc) khoe: Được sự hỗ trợ của Nhà nước, dân làng cùng nhau đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao đời sống. Mấy năm gần đây, gia đình tôi cùng với nhiều hộ dân trong làng tham gia giữ rừng và được UBND huyện Sa Thầy, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hỗ trợ phân bón, cây sa nhân giống trồng dưới tán rừng. Cây sa nhân phát triển tốt, tạo cơ hội cho người dân có thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Ông Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, từ nhiều năm nay, huyện Sa Thầy huy động các nguồn lực, sức dân và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện, nhiều lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất... được xác định là khâu đột phá.
Lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng có nhiều tiêu chí đạt khá cao. Điển hình như tiêu chí thủy lợi có 10/10 xã đạt, tiêu chí điện 10/10 xã đạt, tiêu chí thông tin và truyền thông 8/10 xã đạt, tiêu chí cơ sở hạ tầng nông thôn 5/10 xã đạt… Ở lĩnh vực phát triển sản xuất, huyện chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Qua tái cơ cấu nông nghiệp, huyện tập trung hỗ trợ, đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, cho vay vốn mở rộng phát triển sản xuất. Đến nay, người dân phát triển gần 12.000 ha cao su, 2.459,7 ha cà phê, trên 380 ha cây ăn quả; thâm canh gần 7.000 ha mì để góp phần bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Chăn nuôi trâu, bò, heo và nuôi trồng thủy sản có những bước phát triển. Trong đó, đàn bò đang từng bước được Zêbu hóa; nhiều khu vực diện tích mặt nước lòng hồ được sử dụng để nuôi trồng thủy sản.
Sản xuất công nghiệp gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm được chú trọng. Trên địa bàn huyện hiện có 8 cơ sở sản xuất công nghiệp (2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 3 xí nghiệp khai thác đá, 3 cơ sở chế mủ cao su). Hiện nay, huyện đang triển khai Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm từ mì. Các doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động; phần lớn sản phẩm sản xuất ra được xuất khẩu.
Đến nay, huyện Sa Thầy có 2 xã (Sa Sơn, Sa Nhơn) đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến cuối năm nay có thêm xã Sa Nghĩa đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân toàn huyện đạt 10,7 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn hiện chỉ còn 23,1%...
Với việc huy động các nguồn lực và sức dân, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đang góp phần tạo ra những chuyển biến quan trọng, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn ngày càng được nâng lên.
Văn Nhiên