Sa Thầy cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn
Huyện Sa Thầy đang chỉ đạo các địa phương vận động người dân trên địa bàn cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Giúp các hộ dân khai thác, sử dụng hiệu quả diện tích vườn nhà, đất rẫy phát triển kinh tế gia đình, các xã, thị trấn của huyện Sa Thầy đã lồng ghép nguồn lực, xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ các hộ dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ người DTTS, phát triển kinh tế vườn.
Tại xã Ya Xiêr, từ năm 2021 đến nay, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội liên quan triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông: Hỗ trợ 50 hộ người DTTS trồng cây sầu riêng trên tổng diện tích 10ha; hỗ trợ 173 hộ dân người DTTS ở các thôn, làng trên địa bàn trồng các loại cây ăn quả, gồm mít, sầu riêng, bơ trên tổng diện tích vườn 26,9ha; hỗ trợ 8 hộ dân nuôi lợn sọc dưa, mỗi hộ nuôi 3-4 con.
|
Chính quyền các xã, thị trấn của huyện Sa Thầy phối hợp ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân tham gia các mô hình khuyến nông; đồng thời hỗ trợ giống, vật tư và hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi để giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất.
Đến nay, các vườn cây ăn quả sinh trưởng ổn định, chưa xuất hiện sâu, bệnh hại. Một số vườn cây áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động, được các hộ dân chú trọng khâu chăm sóc, cắt cành tạo tán, bón phân đúng yêu cầu kỹ thuật.
Đối với mô hình chăn nuôi heo sọc dưa, đàn heo của các hộ dân đều khỏe mạnh, tổng đàn hiện đã tăng lên 48 con.
Ông Nguyễn Văn Niệm- Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr cho biết, bước đầu các mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ dân nắm bắt kỹ thuật trồng trọt các loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện, đời sống của các hộ dân. Các mô hình cải tạo vườn tạp tại địa phương đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, từ đó các hộ dân khác noi theo, tự bỏ kinh phí để mua cây, con giống về sản xuất, cải tạo lại vườn nhà, đất rẫy của gia đình.
Toàn xã Ya Xiêr hiện có hơn 10 hộ dân đang trồng cây sầu riêng, quy mô mỗi hộ trồng từ 100-250 cây. UBND xã Ya Xiêr xem các vườn cây sầu riêng này là nơi để các hộ dân trên địa bàn xã đến tham quan, học hỏi và là nơi để tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật. Hàng năm, địa phương tổ chức 2 đợt tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ dân.
|
Tại xã Sa Nhơn, các hộ dân trên địa bàn xã đa số làm nghề nông nghiệp. Các hộ dân đều chịu khó học hỏi, áp dụng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả vào sản xuất. Trong diện tích vườn nhà chưa đến 1.000m2, nhiều hộ dân vừa trồng chanh dây, dựng chuồng nuôi heo và đào ao nuôi cá. Đối với 179 hộ dân có diện tích đất rẫy trên 1.000m2 của xã, các hộ chủ yếu trồng các loại cây cà phê, cao su, mít, sầu riêng, xoài.
Năm 2021, xã Sa Nhơn được UBND huyện Sa Thầy hỗ trợ cây giống ăn quả (sầu riêng Ri6 và mít Thái) để cải tạo vườn tạp cho 58 hộ dân trên địa bàn. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 30 cây giống và tổng diện tích vườn thực hiện cải tạo là 5,8ha. Đến nay, cây ăn quả cấp cho các hộ dân trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 80%.
Từ năm 2021 đến nay, UBND xã Sa Nhơn còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan tổ chức các lớp tập huấn: Chăm sóc, điều trị bệnh cho trâu, bò; chăn nuôi an toàn sinh học; trồng, chăm sóc cây ăn quả, cây mắc ca; với sự tham gia của hơn 140 hộ dân.
Ông Lại Văn Huy- Phó Chủ tịch UBND xã Sa Nhơn cho biết, các chương trình hỗ trợ, định hướng cải tạo vườn tạp đã giúp các hộ dân nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm lúc nông nhàn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần hình thành vùng chuyên canh cây trồng và vật nuôi cho địa phương.
Hiện nay, xã Sa Nhơn đã phát triển 80,7ha cây ăn quả các loại, 6,9ha cây mắc ca, 0,5ha cây dược liệu và đàn gia súc, gia cầm hơn 12.380 con.
Năm 2022, huyện Sa Thầy triển khai hỗ trợ cây giống sầu riêng và mít Thái cho 80 hộ dân (hầu hết là người DTTS) ở các xã Ya Xiêr và Ya Ly để cải tạo vườn tạp. Đến nay, cây giống cấp cho các hộ dân trồng sinh trưởng ổn định, đạt tỷ lệ sống cao.
Thông qua các nguồn lực hỗ trợ và nỗ lực phát triển sản xuất trong người dân, hiện nay huyện Sa Thầy phát triển 1.242,8ha cây ăn quả, 89,9ha mắc ca và tổng đàn gia, súc gia cầm đạt trên 166.350 con.
Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 đã được Huyện ủy Sa Thầy ban hành. Qua đó, thúc đẩy người dân phát triển các mô hình kinh tế vườn để tăng thu nhập, góp phần vào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Đức Thành