Rau an toàn vẫn loay hoay tìm đầu ra
Năm 2014, thành phố Kon Tum triển khai thực hiện Dự án sản xuất rau an toàn, hỗ trợ mở các cửa hàng giúp người dân tiêu thụ sản phẩm. Sau 5 năm thực hiện, thành phố có tất cả 4 cửa hàng rau an toàn (tăng 2 cửa hàng so với thời điểm ban đầu). Tuy nhiên, điều đáng nói, tại các cửa hàng rau lại có đến gần 50% rau có nguồn gốc từ Gia Lai, Đà Lạt, trong khi đó, rau an toàn của thành phố Kon Tum vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường.
Mấy năm trở lại đây, người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum sử dụng rau an toàn ngày càng nhiều. Có cầu ắt có cung, từ 2 cửa hàng rau an toàn ban đầu, đến nay, trên địa bàn thành phố có 4 cửa hàng rau để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Những tưởng, với nhu cầu lớn về rau an toàn, người trồng rau theo mô hình này sẽ có đầu ra ổn định. Thế nhưng, thực tế, sản phẩm của Tổ hợp tác rau an toàn tại tổ 4, phường Thắng Lợi lại không thể cạnh tranh với rau ở các tỉnh Gia Lai, Đà Lạt, Bình Định... ngay trên thị trường tỉnh nhà.
Tại các cửa hàng kinh doanh rau an toàn của thành phố, dù người bán hàng khẳng định, đa số sản phẩm đều được sản xuất tại thành phố Kon Tum, nhưng thực tế tìm hiểu, gần 50% sản phẩm đều là rau củ nhập từ địa phương khác. “Một số sản phẩm người dân trên địa bàn thành phố không trồng được như súp lơ, khoai tây… buộc phải nhập từ Đà Lạt” - chị Vương Thị Phước - đại diện một cửa hàng rau an toàn trên địa bàn thành phố cho biết.
Hiện nay, Tổ sản xuất rau an toàn tại tổ 4, phường Thắng Lợi có 15 hộ tham gia, với diện tích khoảng 4ha, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 400 tấn rau, củ. Trong đó, 11 hộ vẫn chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm, buộc phải bán rau cho thương lái, chấp nhận giá cả bấp bênh. 4 hộ còn lại, dù liên kết với các cửa hàng kinh doanh rau an toàn, song lượng nhập từ các cửa hàng thấp, số rau tồn đọng mỗi ngày buộc phải nhập ra chợ đêm.
|
Ông Huỳnh Quốc Tuấn - Tổ viên Tổ hợp tác rau an toàn, phường Thắng Lợi cho biết: Nhập rau tại các cửa hàng không ổn định, có lúc họ đặt hàng 8-10kg rau/ngày, có lúc chỉ 1-2kg/ngày. Rau sản xuất ra bán không hết, không thể trông đợi vào cửa hàng rau an toàn, mình buộc phải tìm cách bán, chấp nhận nhập ra chợ đêm dù giá rẻ hơn...
Một trong những yếu tố khiến rau an toàn tại thành phố Kon Tum “lép vế” so với các thương hiệu rau của địa phương khác đó là việc thiếu nhà sơ chế. Dù theo ngành chức năng, cùng với việc xây dựng vùng nguyên liệu rau an toàn, thành phố cũng hỗ trợ thành lập 1 nhà sơ chế. Tuy nhiên, đến nay, nhà sơ chế này vẫn chưa được đưa vào hoạt động như kỳ vọng. Người trồng rau phải tự phân loại, đóng gói và tự nhập ra cửa hàng.
Bên cạnh đó, bà Đinh Thị Mỹ Linh - Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết: Một trong những nguyên nhân chính là do người dân chưa biết cách điều tiết sản xuất, thiếu sự liên kết, phân công rõ ràng về diện tích và giống rau cần gieo trồng.
“Mặc dù đã được tập huấn rất nhiều lần nhưng người dân vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống, sản xuất đại trà một vài chủng loại rau trên diện tích lớn, thu hoạch đồng loạt. Chính điều đó dẫn đến tình trạng rau thừa vẫn thừa, nhưng thiếu vẫn thiếu, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hiện nay, sau quá trình tập huấn, tuyên truyền, 4 hộ dân tham gia dự án đã bắt đầu tổ chức triển khai sản xuất tốt, còn các hộ dân tham gia sau vẫn chưa bắt nhịp kịp. Hiện, chúng tôi đang tiếp tục triển khai dự án giai đoạn 2, hỗ trợ thêm cho các hộ dân tổ chức sản xuất, đảm bảo sản xuất được nhiều chủng loại rau, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng” - bà Linh cho hay.
Bên cạnh việc chú trọng tổ chức, điều tiết sản xuất, hiện nay, thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng, định hướng đưa rau an toàn vào quầy hàng của các siêu thị. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận được với thị trường lớn, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía thành phố, người trồng rau buộc phải có sự thay đổi về tư duy và cách làm, phải linh hoạt trong cách tổ chức sản xuất để luôn có đủ rau cung ứng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Bình An