Quyết liệt hơn với buôn lậu, gian lận thương mại
Buôn lậu, gian lận thương mại sẽ “như nấm mùa mưa” trong các tháng cuối năm, nếu như chính quyền, các ngành chức năng và toàn xã hội không quyết liệt hơn trong đấu tranh, ngăn chặn.
Lần đầu tiên tôi được biết sự gian nan, phức tạp của công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu là vào cuối năm 2007, khi tôi tham gia chuyến tuần tra biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi).
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác đi trên những sườn núi trong đêm lạnh, mệt mỏi và mất nước nhanh chóng. Những cơn gió khô khốc, lồng lộn quăng mình qua các thung lũng xơ xác cỏ đuôi chồn, quất vào người như roi.
Trong khi tôi xuống sức, miệng mũi thi nhau thở, thì cán bộ, chiến sĩ đội tuần tra vẫn miệt mài kiểm tra kỹ mỗi chặng đường đi qua. Nhiệm vụ của họ không chỉ là tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc, mà còn phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vận chuyển, buôn bán pháo lậu qua biên giới.
|
Qua câu chuyện của các anh, tôi biết rằng, các đối tượng này rất tinh vi, xảo quyệt, hoạt động có tổ chức. Bất kể cung đường nào, vị trí nào tại vùng biên giới bao la này đều có thể trở thành nơi tập kết hàng, sau đó vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng buôn pháo lậu thường ngụy trang, cất giấu pháo vào thùng carton rồi gia cố thùng xe ô-tô, trộn lẫn pháo vào các loại hàng hóa khác, hoặc thuê người cõng theo đường mòn.
Khi vận chuyển hàng, chúng cử người canh chừng các tuyến đường; dò la, theo dõi hoạt động tuần tra của Bộ đội Biên phòng; chuyển hàng vào khung giờ anh em phải nghỉ ngơi, như giữa trưa, nửa đêm, gần sáng.
Trong khi đó, hai bên cửa khẩu có nhiều đường mòn, lối mở khiến việc kiểm soát và bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn vụ việc chỉ bắt được hàng, vì khi bị phát hiện, người vận chuyển hàng sẽ lợi dụng địa hình phức tạp “bỏ của chạy lấy người”.
Đã 15 năm trôi qua, kể từ chuyến đi bắt pháo lậu năm ấy, tôi luôn hình dung rằng, buôn lậu, gian lận thương mại đã được ngăn chặn tốt hơn nhiều. Nhưng theo thông tin từ các lực lượng chức năng, tình hình chỉ có phức tạp hơn chứ không hề giảm đi.
Hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại ngày càng diễn biến khó lường; thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Nhất là vào những tháng cuối năm, không ít đối tượng lợi dụng thời điểm hàng hóa lưu chuyển nhiều để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Những năm gần đây, các lực lượng chức năng tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm có quy mô lớn, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, chứa hàng hóa vi phạm, với các chủng loại vô cùng đa dạng.
Năm 2002, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 600 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó, khởi tố 9 vụ và xử lý vi phạm hành chính hơn 200 vụ.
Riêng trong tháng 9/2022, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra 86 vụ, xử lý hình sự 2 vụ, xử lý hành chính 36 vụ với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,2 tỷ đồng.
Nổi bật là Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đấu tranh thành công chuyên án KT522 bắt giữ 2 đối tượng đang vận chuyển hàng cấm qua biên giới. Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ, xử lý 2 vụ với 3 đối tượng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, vận chuyển hàng cấm và vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm. Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra độc lập 9 vụ, xử lý vi phạm 7 vụ, thực hiện phối hợp kiểm tra 71 vụ.
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát hiệu quả, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trở lại bình thường. Vì vậy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có chiều hướng gia tăng trên tuyến biên giới và địa bàn nội địa.
|
Các mặt hàng bị lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu (xăng dầu, khoáng sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư y tế, linh kiện điện tử…); các mặt hàng cấm (ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã...).
Thực trạng trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, thực hiện Kế hoạch số 3251/KH-BCĐ389 ngày 29/9/2022 của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), các sở, ngành và địa phương đang tích cực triển khai công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong đó, xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại khu vực biên giới và cửa khẩu, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa. Không để phát sinh các kho, điểm trung chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tập trung vào các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như: Thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các nhóm biện pháp “cứng”, Ban Chỉ đạo 389, chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng cần quan tâm triển khai các giải pháp “mềm”. Tức là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ở các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Một đối tượng có vai trò rất quan trọng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là các doanh nghiệp, chủ sơ sở, chủ hộ sản xuất, kinh doanh hàng hóa.
Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, khi các doanh nghiệp làm ăn chân chính có sản phẩm bị làm giả nâng cao trách nhiệm tự bảo vệ thương hiệu của mình, ít nhất là chủ dộng và tích cực phối hợp với lực lượng chức năng để ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, thay vì xem đây là trách nhiệm của chính quyền và ngành chức năng, thì công tác đấu tranh ngăn chặn sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Hồng Lam