Phiên chợ nông nghiệp sạch huyện Đăk Hà: Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn
Sau 3 ngày hoạt động (15-17/7), Phiên chợ nông nghiệp sạch huyện Đăk Hà năm 2022 khép lại với những kết quả tích cực. Qua đó, mở ra cơ hội để các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc khác của các địa phương trên địa bàn huyện và một số địa phương khác được quảng bá đến người tiêu dùng và tổ chức các hoạt động kết nối giao thương nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phiên chợ có 32 gian hàng, tập trung nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc trưng của các xã, thị trấn, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Đăk Hà và một số địa phương trong tỉnh. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm của đơn vị chủ nhà như các dòng sản phẩm cà phê chế biến, gạo thơm, nếp than, măng le, mật ong, trái cây, hàng thủ công mỹ nghệ, các món ăn đặc sản... Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm của các địa phương khác như khổ qua rừng, sâm dây Ngọc Linh, cây giống mắc ca của huyện Đăk Tô; chuối hột rừng, chuối cô đơn, măng nứa khô, nấm linh chi rừng, chè dây, tiêu rừng, gạo đỏ, của huyện Kon Plông; mật ong, sơn tra, ngũ vị tử, măng khô của huyện Tu Mơ Rông; heo gác bếp, hạt mắc ca, nhang trầm, trầm đất, nụ trầm, dây trầm của huyện Ngọc Hồi; muối cá giã, sâm dây tươi, mật ong rừng, táo mèo, mắc kén, chuối hột rừng của huyện Đăk Glei... Cùng với những sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh còn có nhiều sản phẩm “cây nhà lá vườn” do các hộ dân tự trồng theo hướng an toàn, hữu cơ, góp phần tạo nên sự đa dạng về chủng loại hàng hóa và tăng sức hấp dẫn với người tiêu dùng.
|
Nhiều doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh đã tận dụng tốt cơ hội này để giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo chất lượng đến khách hàng. Đồng thời, góp phần quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của đơn vị, địa phương mình.
Không chỉ với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, Phiên chợ nông nghiệp sạch huyện Đăk Hà cũng là cơ hội để người tiêu dùng trên địa bàn huyện và các địa phương khác trong tỉnh tham quan, trải nghiệm và mua sắm những mặt hàng nông sản có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý.
Chị Nguyễn Thị Đào (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) cho biết: Tôi đặc biệt ấn tượng với những sản phẩm trái cây của địa phương, rất tươi ngon, giá cả lại rẻ hơn sản phẩm cùng loại đang bán trên thị trường. Tôi cũng đặc biệt quan tâm đến những mặt hàng dược liệu, một số đặc sản của địa phương. Qua phiên chợ, tôi được tiếp cận với nhiều mặt hàng nông sản mới do người dân địa phương mình sản xuất.
|
Sức hút từ Phiên chợ nông sản sạch huyện Đăk Hà năm 2022 được “đong đếm” bằng những con số hết sức cụ thể. Chỉ trong 3 ngày, phiên chợ đã thu hút trên 1.000 lượt người dân đến tham quan, mua sắm. Tổng doanh thu tại Phiên chợ đạt trên 780 triệu đồng.
Để có những sản phẩm nông nghiệp sạch, những năm qua, huyện Đăk Hà đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tích cực thực hiện chương trình OCOP. Từ đó, phong trào sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao ngày càng phát triển mạnh mẽ. Người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đầu tư chế biến sâu, tạo dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Tuy nhiên, để thúc đẩy sản xuất phát triển thì việc liên kết và tiêu thụ nông sản là một trong những khâu quan trọng. Việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và phiên chợ nông sản có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường.
Có thể thấy, Phiên chợ nông nghiệp sạch huyện Đăk Hà năm 2022 chính là nhịp cầu kết nối sản xuất và tiêu thụ. Qua đó, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp của huyện Đăk Hà nói riêng và của các địa phương trong tỉnh nói chung đến với người tiêu dùng; tạo động lực để người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương.
Thiên Hương