Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1017/QĐ-UBND ngày 23/9/2019 phê duyệt Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện Đề án này sẽ góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao, bền vững.
Vì sự phát triển bền vững
Đề án đặt ra mục tiêu chung là nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống; đa dạng hóa đầu tư phát triển công nghệ sinh học, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ sinh học; ứng dụng và chuyển giao các thành tựu công nghệ sinh học trong và ngoài nước phục vụ phát triển bền vững nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao, bền vững và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Để thực hiện mục tiêu chung này, tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2019 -2020 là tiếp nhận, làm chủ trên 5 quy trình sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học như quy trình nhân giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, chế phẩm sinh học, nấm ăn và nấm dược liệu...; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực nông nghiệp, công thương, y tế, môi trường, an ninh, quốc phòng… để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm; phấn đấu có trên 30% cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, đơn vị, địa phương ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi; các loại phân bón, giá thể, thuốc bảo vệ thực vật, vắc xin, chế phẩm và các sản phẩm khác có nguồn gốc sinh học; đầu tư đổi mới, nâng cấp phòng thí nghiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành công nghệ sinh học đủ về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp sinh học trên địa bàn tỉnh.
|
Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 tiếp nhận, làm chủ trên 10 quy trình sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học; phấn đấu có trên 40% cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, đơn vị, địa phương ứng dụng các sản phẩm có nguồn gốc sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp; thu hút từ 2 - 3 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh và dịch vụ kỹ thuật về công nghệ sinh học trong các lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, sản xuất chế phẩm, phân bón sinh học; tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ, phát triển các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao thành các đơn vị đủ mạnh đáp ứng cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.
Tầm nhìn đến năm 2030, toàn tỉnh có trên 50% cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, đơn vị, địa phương ứng dụng các sản phẩm có nguồn gốc sinh học để nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất nông nghiệp; thu hút từ 3 - 5 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh và dịch vụ kỹ thuật về công nghệ sinh học trong các lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, sản xuất chế phẩm, phân bón sinh học; tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao các công nghệ cao thuộc thế hệ 4.0 vào sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh có tỷ lệ đóng góp cao của công nghệ sinh học, có thương hiệu và có thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho địa phương.
Các giải pháp phát triển
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu và các chương trình đặt ra, tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách của trung ương, tỉnh về đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sinh học như ưu đãi về thuê đất, thuế, vốn vay... cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Cân đối bố trí đủ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ và nguồn kinh phí sự nghiệp khác hàng năm để triển khai các nhiệm vụ của Đề án. Lồng ghép các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ để thực hiện việc tiếp nhận các quy trình công nghệ sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học...
Về tăng cường tiềm lực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, tỉnh xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đặc biệt là nhân lực trình độ cao về công nghệ sinh học; đẩy mạnh công tác đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ để triển khai, thực hiện có hiệu quả việc phát triển công nghệ sinh học trên tất cả các lĩnh vực. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trước mắt tập trung đầu tư cho Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen). Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu, phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm, sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm công nghệ sinh học, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại hóa và đổi mới cơ chế hoạt động đối với hệ thống các phòng thí nghiệm tại đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học tiên tiến, hiện đại so với trong nước (khi đủ điều kiện)...
|
Về xây dựng và phát triển ngành công nghiệp sinh học, tỉnh đầu tư nâng cao năng lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ, phòng thí nghiệm, doanh nghiệp để có đủ khả năng tiếp cận, nghiên cứu, triển khai ứng dụng các công nghệ mới. Triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách thu hút đầu tư, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ sinh học. Lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ sinh học cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp sinh học; hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đề xuất, đăng ký nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm của trung ương, của tỉnh về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến, công nghiệp sinh học.
Về hợp tác, Đề án đặt ra vấn đề tăng cường hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ trong, ngoài nước trong việc đào tạo chuyên gia công nghệ sinh học các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, môi trường; đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sinh học và đào tạo chuyên gia công nghệ sinh học. Tổ chức liên kết các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế để tăng cường năng lực ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học có khả năng cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Chủ động và tích cực thực hiện liên kết, hợp tác và thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học theo các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư. Thực hiện xây dựng lộ trình liên kết, hợp tác với các viện, trường đại học, các trung tâm công nghệ sinh học, khu nông nghiệp công nghệ cao. Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động và tích cực xây dựng các chương trình hợp tác song phương và đa phương với các nước có nền công nghệ sinh học phát triển, với các tổ chức, cá nhân nước ngoài giàu tiềm lực để tranh thủ tối đa sự giúp đỡ về trí tuệ, tài lực, vật chất và kinh nghiệm trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
Về vốn, đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; khuyến khích thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp để tham gia đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, huy động các nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm tăng cường cơ sở vật chất, sản xuất, kinh doanh, thương mại các sản phẩm công nghệ sinh học chủ lực ở quy mô công nghiệp; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tăng cường đầu tư vào các hoạt động tiếp nhận và chuyển giao công nghệ sinh học để phát triển ngành công nghiệp chế biến; cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách để triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan tiếp thu, ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, trong nước về công nghệ sinh học.
Văn Nhiên