Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững
Với lợi thế của tỉnh là có nhiều ao hồ và các hồ thủy điện, thủy lợi có diện tích mặt nước lớn, những năm qua, ngành Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và nhiều địa phương chú trọng vận động, hỗ trợ người dân phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Trước đây, người dân sống ở vùng lòng hồ Thủy điện Sê San (huyện Ia H’Drai) chủ yếu dựa vào việc khai thác và đánh bắt thủy sản trong tự nhiên. Tuy nhiên, việc đánh bắt cá tự nhiên đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và không mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Vì vậy, tận dụng lợi thế lòng hồ rộng lớn, những năm qua, huyện Ia H’Drai tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phát triển nuôi trồng thủy sản.
Với sự hỗ trợ tích cực về giống, vốn, khoa học kỹ thuật của chính quyền huyện Ia H’Drai và các cơ quan chức năng, người dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng, bè. Đến nay, toàn huyện có 112 lồng nuôi thủy sản, tăng 12 lồng so với năm 2021; tổng sản lượng khai thác thủy sản của địa phương là 131,9 tấn, trong đó, sản lượng nuôi đạt gần 100 tấn.
|
Tại huyện Đăk Hà, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 146ha với khoảng 500 hộ dân tham gia nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi cá, tập trung tại một số địa phương như thị trấn Đăk Hà, xã Đăk La, Đăk Ngọk, Hà Mòn, Đăk Mar… Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác của địa phương này luôn ở mức rất cao, bình quân từ 3.000-4.000 tấn/năm.
Thực tế cho thấy, lợi nhuận từ việc đầu tư nuôi thủy sản mang lại cho các gia đình tương đối cao và ổn định, nên người dân rất yên tâm gắn bó với nghề này.
Anh Phạm Văn Luấn (ở xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) là một trong những người có thâm niên và khá thành công với nghề nuôi cá. Các loại cá được anh thả nuôi rất đa dạng như diêu hồng, trắm, chép, rô phi… Tổng sản lượng cá thu hoạch bình quân khoảng 400 tấn/năm, với mức giá bán từ 40.000-45.000đồng/kg, theo tính toán của anh thì sau trừ các khoản chi phí rồi gia đình anh có lãi trên 1 tỷ đồng.
|
Còn ông Võ Đình Sơn- một trong những hộ đi tiên phong trong việc nuôi cá lồng ở xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) cho biết: Thời gian đầu khi quyết định đầu tư nuôi cá lồng, tôi cũng rất lo lắng, vì chi phí đầu tư lớn mà chưa lường được hiệu quả kinh tế mang lại. Nhưng sau mấy lứa thả nuôi, tôi nhận thấy, việc nuôi cá lồng không quá phức tạp mà lại cho thu nhập cao, ổn định hơn nhiều so với việc khai thác, đánh bắt tự nhiên như trước đây.
Với hiệu quả kinh tế cao, nhiều địa phương của tỉnh ngày càng chú trọng tuyên truyền, vận động người dân khai thác tiềm năng, lợi thế mặt nước hiện có trên địa bàn để mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Hình thức nuôi được dịch chuyển từ quảng canh sang thâm canh, bán thâm canh, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm rủi ro; từ đó, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Tính đến nay, tổng diện tích ao hồ nhỏ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ta khoảng 795,50 ha, diện tích nuôi trồng trên các lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi lớn khoảng 567 ha. Ước tính trong 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản các loại ước đạt 4.742 tấn, trong đó, lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3.135 tấn; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.607 tấn.
|
Trên địa bàn tỉnh hiện có 317 lồng, bè nuôi thủy sản, tăng 24 lồng, bè so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 108,19% kế hoạch của năm 2022. Trong đó, huyện Ia H’Drai có số lượng lồng nuôi nhiều nhất với 112 lồng, tiếp đến là huyện Đăk Hà với 70 lồng, huyện Sa Thầy có 45 lồng, huyện Kon Plông có 32 lồng, thành phố Kon Tum có 27 lồng, huyện Đăk Tô có 23 lồng, huyện Kon Rẫy có 6 lồng và huyện Ngọc Hồi có 2 lồng.
Các loài thủy sản được người dân nuôi chủ yếu là cá rô phi, cá diêu hồng, cá thác lác cườm, cá lăng. Hầu hết, các hộ nuôi cá lồng, bè đều có liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm nên khá thuận lợi về đầu ra, tạo ra nhiều việc làm và mang lại thu nhập ổn định.
Nhằm thúc đẩy phong trào nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp- Phát triển nông thôn của tỉnh và các địa phương đã tích cực thực hiện các chương trình khuyến nông, hỗ trợ giống, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật; quản lý giống, thức ăn, sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình chăm sóc, xử lý các sự cố bất thường, đảm bảo sản phẩm an toàn và bảo vệ nguồn nước...
Để nâng cao hiệu quả kinh tế của việc nuôi trồng thủy sản, hiện nay, cùng với việc tiếp tục phát triển nuôi thủy sản truyền thống, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh còn vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nuôi các loại thủy sản là đặc sản có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, gắn nuôi trồng thủy sản với bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác và phát triển du lịch để cải thiện sinh kế, đa dạng nguồn thu cho người dân.
Thiên Hương