Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Cần tháo gỡ những rào cản
Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 176/QĐ-TTg ngày 29/1/2010. Theo đó, Nhà nước chủ trương khuyến khích ngành Nông nghiệp tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Thực hiện đề án Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 của Chính phủ, ngày 19/8/2016, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 64/2016/NQ-HĐND về Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2016-2020 xây dựng và thành lập 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen tại huyện Kon Plông với quy mô tối thiểu từ 100- 150ha và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Hà với quy mô tối thiểu 50ha; đồng thời xác lập ít nhất 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
|
Tuy nhiên, Đề án của Chính phủ chưa nêu rõ cơ chế hỗ trợ cụ thể về thuế, đất đai để thu hút đầu tư. Mặt khác trong khi chính sách hỗ trợ cho các khu công nghiệp được đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, giao thông..., nhưng lại thiếu cơ chế chính sách cho việc phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời thiếu chính sách bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với chi phí đầu tư lớn.
Ngoài ra, vốn, thị trường và nguồn nhân lực cũng là một trong ba yếu tố cần thiết để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là những khó khăn gây trở ngại cho các địa phương kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Văn Lân - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Thời gian qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đã quy hoạch 1.300ha và mời gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư vùng rau hoa quả xứ lạnh, trong đó có gần 200ha dành cho các dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện trên địa bàn huyện Kon Plông có nhiều dự án nông nghiệp như: Dự án Chăn nuôi dê sữa (Công ty CP Thực phẩm và Dược liệu Măng Đen), Dự án Nông trại hữu cơ (Hàn Quốc), Dự án Chăn nuôi bò sữa (Tập đoàn Vinamilk), Dự án Rau hoa xứ lạnh (Công ty TNHH Kon Tum BELLEST)… Gần đây, có Dự án Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum Măng Đen của Công ty CP Tập đoàn VinGroup đang triển khai giải phóng mặt bằng. Với mức độ sẵn sàng đầu tư ứng dụng các kỹ thuật, mô hình canh tác công nghệ cao của nhà đầu tư này, sẽ là đầu tàu thúc đẩy các dự án khác triển khai đầu tư mạnh trong thời gian tới. Hy vọng, với những kiến nghị từ các địa phương, Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ hơn, tạo sự hấp dẫn về cơ chế để các địa phương thu hút nhiều nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Về vấn đề vốn, ông Phạm Đình Phước - Phó Giám đốc Agribank Kon Tum cho biết: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một lĩnh vực mới, chưa có tiền lệ, vì vậy tiềm ẩn rủi ro khi triển khai. Các ngân hàng còn khó khăn trong việc xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định 738/QĐ-KHCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cũng chưa có đơn vị đứng ra xác nhận dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có chính sách hỗ trợ; chưa mở rộng các loại tài sản được thế chấp vay vốn bao gồm tài sản hình thành trên đất trang trại, nhà kính… Trong khi nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình muốn được vay vốn và ngân hàng cũng luôn sẵn sàng, nhưng đây là “điểm nghẽn”. Để giải quyết “điểm nghẽn” này, Agribank Kon Tum đề nghị được tham gia vào quá trình lập phương án, dự án đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo ông Dương Anh Hùng - Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, trong thời gian gần đây đã xuất hiện xu hướng nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ban quản lý đang cố gắng kết nối với các doanh nghiệp sẵn sàng cho thuê như nhà kính, nhà lưới, nhà xưởng, trang thiết bị…, hay tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình canh tác sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Về nguồn lực lao động, Ban quản lý đang phối hợp với huyện tập trung hơn nữa công tác đào tạo lao động nông nghiệp có tay nghề, để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Vấn đề còn lại là thị trường. Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Một khi đầu tư vào lĩnh vực này, thì nguồn cung càng lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng có được thị trường xuất khẩu ra nước ngoài do các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và hàng rào thuế quan của từng nước. Do đó, tự thân mỗi doanh nghiệp cần phải xác định rõ thị trường; định hướng sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường.
Dương Lê