Phát triển kinh tế hợp tác xã gắn với xây dựng nông thôn mới
Khi các tổ hợp tác, hợp tác xã hướng đến những mục tiêu tốt đẹp vì cộng đồng cũng là góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ở các tổ hợp tác, hợp tác xã đi theo hướng này, hoạt động sản xuất kinh doanh thường thuận lợi và phát triển.
Khi các tổ hợp tác, hợp tác xã vì cộng đồng
Sau nhiều năm được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, toàn tỉnh phát triển 94 hợp tác xã và 103 tổ hợp tác đăng ký hoạt động theo quy định.
Theo dõi sự phát triển kinh tế hợp tác, chúng tôi nhận thấy nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã đổi mới trong sản xuất kinh doanh, hoạt động theo luật định thường gắn với những chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như: Xây dựng chuỗi giá trị sản xuất rau, củ quả an toàn, rau VietGAP; sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng; trái cây sạch… bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Theo hướng sản xuất kinh doanh này, các tổ hợp tác, hợp tác xã từng bước vươn lên trong cơ chế thị trường, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và những mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tại Tổ hợp tác Sản xuất rau VietGAP 1/5, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum), chúng tôi còn nhớ có lúc việc sản xuất và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do các thành viên trong tổ hợp tác chưa thích ứng với thị trường và còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại Nhà nước thì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rất thấp.
Với quyết tâm tìm hướng đi hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của ban lãnh đạo Tổ hợp tác, lại được sự quan tâm giúp đỡ và tìm hướng tháo gỡ của UBND thành phố Kon Tum và các ngành chức năng, sản phẩm rau an toàn của Tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn VietGAP 1/5 từng bước được người tiêu dùng trong tỉnh chú ý đến. Sản phẩm rau an toàn của tổ sản xuất ra tiêu thụ không còn khó khăn như trước.
Ở Hợp tác xã Nông nghiệp công bằng Pô Kô hướng đến sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng, ngay từ khi mới ra đời tạo được dấu ấn. Trong quá trình sản xuất, Hợp tác xã biết chia sẻ lợi nhuận với các thành viên, hỗ trợ cộng đồng xây dựng đường giao thông, trường mầm non…; sản phẩm có uy tín, hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, đáp ứng được thị trường tiêu dùng và hướng đến những mục tiêu tốt đẹp vì cộng đồng nên hợp tác xã đã từng bước tạo được tiếng vang trên thị trường. Hiện nay, sản phẩm cà phê Hợp tác xã Nông nghiệp công bằng Pô Kô không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn có mặt ở nhiều thị trường khó tính như Bỉ, Thụy Sỹ, Mỹ, Anh, Đức…
Trong chuyến làm việc tại huyện Đăk Hà, khi đến thăm và nghe Hợp tác xã Nông nghiệp công bằng Pô Kô báo cáo, ông Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đã nói rằng: “Đây là hợp tác xã của tương lai”.
Theo tôi nghĩ, câu nói ngắn gọn của ông Cao Đức Phát đã hàm chứa những ý tưởng về xây dựng, phát triển các hợp tác xã hướng đến cộng đồng - một xu hướng phát triển vững chắc của các hợp tác xã hiện nay và trong tương lai.
|
Còn nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo hướng này phát triển ổn định và đóng góp đáng kể trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương mà trong một bài viết chúng tôi không thể nêu ra hết.
Để kinh tế hợp tác phát triển
Theo ông Nguyễn Lâm Cảnh - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh, qua rà soát trong quá trình phát triển hợp tác xã gắn với xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 32/86 xã đạt tiêu chuẩn số 13 về hình thức tổ chức sản xuất (xã có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã, có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo tính bền vững). Các hợp tác xã giúp kinh tế hộ thành viên phát triển; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, mở mang ngành nghề, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần vào xây dựng nông thôn mới.
“Về mặt xã hội, hợp tác xã giải quyết nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo cho thành viên và người lao động; hỗ trợ kịp thời cho các thành viên gặp khó khăn…, trong các phong trào thi đua thì hợp tác xã tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo; một số hợp tác xã trích kinh phí từ nguồn quỹ phúc lợi cùng với chính quyền địa phương tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và các hoạt động xã hội nhằm hỗ trợ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn” - ông Nguyễn Lâm Cảnh nhấn mạnh.
Mặc dù vai trò của các hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới được khẳng định, nhưng trong quá trình phát triển, nhiều hợp tác xã vẫn còn lúng túng thực hiện theo Luật Hợp tác xã năm 2012; nhiều hợp tác xã thiếu vốn sản xuất kinh doanh, trong khi lại khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp.
Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng, cán bộ được giao việc hỗ trợ, tư vấn trong việc thành lập và phát triển hợp tác xã đòi hỏi phải nắm vững luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động thuận lợi. Đồng thời, các hợp tác xã phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc nghiên cứu Luật Hợp tác xã, chủ động ứng dụng các tiến bộ vào sản xuất, quản lý để tồn tại và vươn lên trong nền kinh tế thời hội nhập.
Bài, ảnh: Văn Nhiên