Phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững
Bằng sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã phát triển vượt bậc, đem lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao giá trị, thương hiệu cho trái cây của địa phương.
Tỉnh Kon Tum là địa phương có vị trí thuận lợi trong việc kết nối, giao lưu phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia; điều kiện tự nhiên thuận lợi; quỹ đất sản xuất tập trung còn tương đối lớn; hạ tầng phục vụ sản xuất thời gian gần đây được đầu tư, nâng cấp đồng bộ từ các chương trình MTQG; các chính sách của Trung ương và tỉnh đã khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; được nhiều chuyên gia, nhà khoa học quan tâm, hỗ trợ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được người dân áp dụng rộng rãi…, đó là những lợi thế và tiềm năng để tỉnh phát triển vùng nguyên liệu trồng cây ăn quả tập trung, có quy mô và theo hướng bền vững.
Nhìn lại năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả của tỉnh đạt 3.443ha, năm 2021 tăng lên 6.288ha, năm 2022 tăng lên 9.595ha và đến cuối năm 2023 đạt hơn 10.560ha (trong đó, có hơn 200ha trồng theo các tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP, hữu cơ và khoảng 1.400ha trồng có ứng dụng công nghệ cao). Một số địa phương có diện tích cây ăn quả lớn, là huyện Đăk Hà với 2.049ha, huyện Sa Thầy với 1.566,2ha, thành phố Kon Tum với 1.381,7ha.
|
Có thể thấy rằng, những năm qua, diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh đã tăng nhanh và đến nay, đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 06-NQ/ĐH, ngày 30/9/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, đó là “Đến năm 2025, phấn đấu nâng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh lên khoảng 10.000ha”.
Đi kèm với phát triển diện tích, trên địa bàn tỉnh còn có các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu trong việc phát triển cây ăn quả gắn với sản xuất ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi nhuận về kinh tế, tạo việc làm và tạo điều kiện cho người dân xung quanh diện tích trồng tiếp nhận những công nghệ mới trong sản xuất trồng trọt, tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như: Ông Bùi Văn Quyển với vườn trồng sầu riêng ứng dụng công nghệ cao rộng 24,97ha tại xã Ya Ly (huyện Sa Thầy); ông Nguyễn Quang Đông với trang trại trồng bưởi, cam theo tiêu chuẩn Organic, ứng dụng công nghệ cao, rộng gần 40ha tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông); Công ty TNHH Sản xuất, chế biến nông sản Nghĩa Phát (huyện Đăk Hà) trồng sầu riêng giống Musang King, mít Thái với tổng diện tích 265ha theo tiêu chuẩn Global GAP, áp dụng công nghệ tự động, bán tự động trong chăm sóc, thực hiện tưới nước, bón phân qua hệ thống bù áp, máy bay không người lái (Flycam); Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Tây Nguyên (Tập đoàn TH) trồng sầu riêng và mít Thái ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 331,8 ha tại xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy); Công ty CP Đầu tư và Phát triển Duy Tân trồng chuối và sầu riêng ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 162ha tại huyện Ia H’Drai.
Xu thế phát triển vùng nguyên liệu trồng cây ăn quả tập trung gắn với thị trường tiêu thụ đang ngày càng phát triển. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu cho việc tiêu thụ trái cây tươi ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư, trồng và chăm sóc các diện tích trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn quy định, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân để được cấp thẩm quyền xem xét, cấp mã số vùng trồng.
|
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 18 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích 325,39ha (loại cây trồng là sầu riêng, chuối, mít, chanh dây, dứa), 3 mã số tiêu thụ nội địa với tổng diện tích 36ha (loại cây trồng là mắc ca, chanh dây, sầu riêng), 2 mã số cơ sở đóng gói (chuối, chanh dây) với tổng diện tích nhà xưởng 2.169m2.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1 cá nhân tại huyện Ngọc Hồi đang được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh lập hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu với diện tích trồng 15ha và 9 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích trồng 194ha tại các huyện Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Hà, Ngọc Hồi đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt cấp mã số để xuất khẩu chính ngạch.
Ông Nguyễn Hoài Tâm-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, trong năm 2023, Chi cục đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1277/KH-UBND ngày 4/5/2023 về phát triển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây ăn quả và mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, đơn vị còn tham gia cùng các cấp chính quyền địa phương kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án phát triển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây ăn quả vào địa bàn tỉnh; hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng cây ăn quả cho các địa phương, tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp điều tra sinh vật gây hại trên cây trồng (trong đó, có cây ăn quả) tại địa bàn 34 xã thuộc các huyện, thành phố; phối hợp Viện cây ăn quả miền Nam tổ chức hội thảo và tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý sinh vật gây hại và áp dụng các biện pháp khoa học, công nghệ trên cây sầu riêng với tổng số 50 học viên đến từ các huyện, thành phố; tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây sầu riêng, cây có múi và cây mắc ca cho đoàn viên, thanh niên huyện Đăk Hà.
“Mục tiêu năm 2024, toàn tỉnh trồng mới là 2.000ha cây ăn quả (trong đó: 500ha sầu riêng, chanh dây 1.000ha, chuối 100ha, cây có múi 80ha, dứa 50ha, cây ăn quả khác 270ha) và đến năm 2025, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh tiếp tục mở rộng đạt 15.000ha, hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, chuyên canh đạt diện tích 2.000ha, hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện phương án cải tạo vườn tạp, vườn cây ăn quả kém hiệu quả theo định hướng hình thành vùng sản xuất mang tính hàng hóa. Để thực hiện các mục tiêu trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ sớm hoàn thiện và trình UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển cây ăn quả bền vững; tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua hoạt động cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói; làm tốt công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, trồng, chăm sóc và quản lý sinh vật gây hại cây trồng trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cây ăn quả cho người dân” - ông Nguyễn Hoài Tâm chia sẻ.
Đức Thành