Phát triển cà phê xứ lạnh ở Đăk Glei
Triển khai Đề án trồng cà phê xứ lạnh của tỉnh, huyện Đăk Glei có 6 xã được hỗ trợ gồm: Đăk Man, Đăk Blô, Đăk Choong, Xốp, Mường Hoong, Ngọc Linh. Sau 4 năm triển khai thực hiện (2014-2017), cây cà phê xứ lạnh được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân nơi đây, một số diện tích đã cho thu hoạch đạt năng suất khá cao.
Đang mùa thu hái cà phê, đi dọc con đường bê tông dẫn về các thôn Mô Mam, Kon Riêng, Liêm Răng (xã Đăk Choong), chúng tôi cảm nhận không khí vào mùa đầy nhộn nhịp ở nơi đây. Người người, nhà nhà tranh thủ thu hái cà phê. Khác với cảnh nông sản làm ra khó tiêu thụ như trước đây, bây giờ, thương lái cũng đã tìm đến tận vườn chực chờ để thu mua nông sản.
Phó Chủ tịch xã Đăk Choong - A Tương bộc bạch: Từ khi đường nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, bà con được hưởng lợi rất nhiều. So với cách đây 5 năm, cuộc sống bà con đã phát triển vượt bậc. Những năm gần đây, nhiều gia đình còn giàu lên nhờ cây cà phê xứ lạnh.
Đúng thật! Sự đổi thay nhận thấy rõ nhất ở các thôn vùng sâu của xã Đăk Choong là những căn nhà tạm bợ, dột nát trước kia, giờ được thay thế bằng những căn nhà xây mái ngói mọc lên san sát, nằm nép mình bên những vườn cà phê xanh mướt. Nhiều nhà đã sắm được các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như xe máy, ti vi…
Trong cái nắng dịu nhẹ về chiều, anh A Tương dẫn chúng tôi vào tận rẫy cà phê của anh A Long nằm ở phía chân núi cuối làng Liêm Răng.
Đang tất bật cho những quả cà phê chín mọng vừa mới thu hái vào bao để cân cho thương lái, nhưng khi tôi bắt chuyện, anh A Long liền chia sẻ: Trước đây, gia đình mình trồng giống cà phê truyền thống cho năng suất không cao; thêm vào đó, vì không biết cách chăm sóc, việc thu hái cũng đại trà, đường sá đi lại khó khăn nên thường bị tư thương ép giá, làm nhiều nhưng thu chẳng được bao nhiêu. Năm 2014, gia đình được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi trồng 3 sào cà phê catimor. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách thức chăm sóc, 2 năm sau vườn cây đã cho thu hoạch. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, thu hái chia thành nhiều đợt, quả chín thu trước, nên vườn cà phê của gia đình cho năng suất cao, trung bình đạt 1 tấn quả tươi/sào.
Từ chỗ thấy được hiệu quả của cây cà phê xứ lạnh, anh A Long đã chuyển đổi vườn cây cà phê giống truyền thống sang trồng gần 2ha cà phê catimor. Đến nay, gia đình anh A Long không những thoát khỏi danh sách hộ nghèo mà còn vươn lên để trở thành hộ có thu nhập khá trong thôn.
|
Thôn trưởng Liêm Răng - A Hiên cho biết, trong 4 năm qua, cả thôn có 30 hộ gia đình được hỗ trợ trồng cà phê xứ lạnh với tổng diện tích 15ha (trung bình mỗi hộ nghèo được hỗ trợ trồng 5 sào). Từ chỗ thấy được năng suất và hiệu quả của cây cà phê xứ lạnh, nhiều hộ dân trong vùng đã chuyển đổi vườn cà phê trồng theo giống truyền thống sang thử nghiệm giống mới. Nhờ cây cà phê xứ lạnh, thôn đã giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 17%.
Theo A Tương, sau 4 năm triển khai Đề án trồng cà phê xứ lạnh của tỉnh, xã Đăk Choong đã phát triển được 47ha với 140 hộ tham gia, nâng tổng diện tích cà phê trên địa bàn xã lên 375ha. Trong thời gian qua, cây cà phê xứ lạnh đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống còn 31%. Từ thành công bước đầu của Đề án, Đăk Choong đã xác định cà phê xứ lạnh là cây trồng chủ lực của địa phương. Trong thời gian tới, địa phương đã tính đến giải pháp vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cà phê truyền thống sang trồng cà phê giống mới, tái canh vườn cà phê.
Triển khai Đề án hỗ trợ trồng cà phê xứ lạnh cho hộ nghèo của tỉnh, theo kế hoạch, huyện Đăk Glei có khoảng 1.6500 hộ nghèo được hỗ trợ với diện tích 588ha. Qua 4 năm triển khai thực hiện, huyện Đăk Glei đã có 1.271 hộ nghèo đăng ký tham gia với diện tích 346ha.
Phó phòng NN&PTNN huyện Đăk Glei - Đinh Thị Y Ngọc chia sẻ: Đăk Glei là huyện miền núi khó khăn, thuộc diện hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; đời sống và nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nghèo còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để triển khai Đề án hiệu quả, Phòng NN&PTNN huyện đã phối hợp chặt chẽ với các xã làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Đề án, qua đó nâng cao vai trò trách nhiệm của mình.
Công tác rà soát, bình xét đối tượng được tham gia Đề án cũng được các xã tiến hành thực hiện dân chủ, công khai và theo đúng trình tự thủ tục. Ban chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động, tổ chức họp dân bình xét hộ nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện tham gia Đề án. Cán bộ thôn và các hộ dân trong thôn tiến hành biểu quyết các hộ đủ điều kiện tham gia Đề án, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án của huyện Đăk Glei, tính đến nay, cây cà phê xứ lạnh rất thích hợp với vùng đất 6 xã trên địa bàn huyện, thực tế chứng minh: tỷ lệ cây sống đạt 94,35%; một số diện tích cây trồng trong 2 năm 2014-2015 đã cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 10 tấn quả tươi/ha, nhiều diện tích đạt từ 12-15 tấn quả tươi/ha.
Điều phấn khởi nhất là đa số các hộ dân tham gia Đề án đã ý thức làm chủ vườn cây, coi đó là tài sản để thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ gia đình đã chủ động trong công tác chuẩn bị đất, đào hố, rào bảo vệ xung quanh, bón lót phân hữu cơ, phân vô cơ… Một số hộ dân đã mạnh dạn phá bỏ và tái canh lại những vườn cà phê cũ, năng suất kém để sang trồng cà phê Catimor năng suất, chất lượng cao.
Bà Đinh Thị Y Ngọc cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, hiện nay, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án của huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cà phê cho người dân; có chính sách thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện theo chuỗi lên kết giá trị sản xuất nhằm mở rộng diện tích cà phê trên địa bàn đối với các xã được chọn tham gia Đề án; phấn đấu đến năm 2018 huyện Đăk Glei sẽ đạt 100% kế hoạch Đề án, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Bài, ảnh: Tú Quyên