Phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, sự quyết liệt trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện và phát huy vai trò nòng cốt của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, sự nỗ lực vươn lên của các HTX, tổ hợp tác (THT), trong năm 2022, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh ta có những chuyển biến đáng khích lệ.
Trong năm, Liên minh HTX tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án cấp tỉnh và triển khai thực hiện tốt các nội dung về phát triển kinh tế tập thể. Theo ông Nguyễn Lâm Cảnh- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, điều đáng mừng là nhận thức của người dân, chính quyền cơ sở về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thành phần kinh tế tập thể trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội từng bước được nâng cao. Các HTX từng bước chuyển đổi hình thức tổ chức và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Phương thức hoạt động của một số HTX được đổi mới và có hiệu quả nhất định, đã mang lại lợi ích, tạo lòng tin cho các thành viên tham gia HTX.
Theo thống kê, đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 225 THT với 2384 thành viên; 232 HTX với 10.212 thành viên; 1 liên hiệp HTX. Tổng doanh thu ước đạt khoảng 168.750 triệu đồng, doanh thu bình quân ước đạt 650 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
|
Trong phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh nổi bật nhất là HTX, năm 2022, có 43 HTX được thành lập mới, nâng tổng số HTX trong toàn tỉnh lên 232 HTX. Trong đó, có 165 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 10 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực xây dựng; 8 HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải; 40 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; 5 quỹ tín dụng nhân dân.
Ông Nguyễn Lâm Cảnh cho biết, về cơ bản, các HTX đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế thành viên và hộ gia đình, từng bước khắc phục một số mặt yếu kém của kinh tế hộ về vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất; hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho thành viên và hộ gia đình; góp phần xây dựng xã nông thôn mới, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, thực hiện Chương trình OCOP.
|
Có số lượng nhiều, thu hút đông đảo thành viên nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có 165 HTX thu hút 2.320 thành viên tham gia. Hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, mở thêm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phục vụ thiết thực cho lợi ích kinh tế thành viên và lợi ích cộng đồng. Các HTX có tác động tích cực trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các địa phương, góp phần quan trọng trong việc khai thác các nguồn lực, tham gia tạo ra các sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số HTX nông nghiệp còn trích các nguồn quỹ cùng chính quyền địa phương tham gia đầu tư công trình hạ tầng nông thôn và các hoạt động xã hội như: Xây dựng công trình giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng văn hóa xã hội, quỹ tình nghĩa, xây nhà tình nghĩa, xây cấu, trường mầm non, hỗ trợ hoạt động của các đoàn thể, hỗ trợ ngân sách xã. Tiêu biểu trong các hoạt động có HTX Công bằng Pô Cô, HTX Sáu Nhung (huyện Đăk Hà), HTX Rau hoa và du lịch Măng Đen (huyện Kon Plông), HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông (Tu Mơ Rông)...
Theo ông Bùi Huy Cường- Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Liên minh HTX tỉnh, trong năm 2022, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có tổng doanh thu khoảng 1.100 triệu đồng/HTX/năm; tổng lợi nhuận sau thuế HTX khoảng 235 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập của thành viên khoảng 35 triệu đồng/người/năm; thu nhập của lao động thường xuyên trong HTX 40 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn. Dù tăng về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động, nhưng do phải đối mặt với những khó khăn như biến động giá cả thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh nên kinh tế tập thể phát triển chưa như kỳ vọng. Nhiều HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số HTX chưa đáp ứng được yêu cầu. Vẫn còn HTX yếu kém hoặc duy trì hoạt động ở mức trung bình, mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp một số dịch vụ thiết yếu cho thành viên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ phát triển KTTT, HTX còn hạn chế, số lượng HTX được tiếp cận chính sách chưa nhiều; các HTX còn hạn chế trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Sự liên kết, hợp tác giữa các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp HTX chưa được phát huy; nhiều HTX, liên hiệp HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn, yếu kém kéo dài, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực HTX còn hạn chế, không đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện hiện nay.
Trong năm 2023, Liên minh HTX tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới từ 30 HTX, 50 THT; doanh thu bình quân HTX khoảng 690 triệu đồng/HTX/năm, doanh thu bình quân THT khoảng 192 triệu đồng/THT/năm; thu nhập bình quân của thành viên HTX khoảng 50 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân của thành viên THT khoảng 25 triệu đồng/người/năm.
|
Để thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; phát triển kinh tế tập thể, HTX nhanh, hiệu quả và bền vững; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; sản xuất gắn với chuỗi giá trị; củng cố, tổ chức lại hoạt động của các HTX, THT hiện có; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện giải thể các HTX ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả kéo dài không có khả năng củng cố, tổ chức lại.
Tập trung khắc phục những yếu kém, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, THT trên địa bàn tỉnh ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các THT, HTX với nhau và giữa THT, HTX với các thành phần kinh tế khác. Liên kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ HTX.
Tranh thủ nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh và sự hỗ trợ vốn của Trung ương trong việc đầu tư hỗ trợ, khuyến khích xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình THT, HTX trên từng lĩnh vực, từng ngành nghề. Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của THT, HTX; góp phần tạo việc làm cho người lao động, giảm nghèo và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong công tác đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nền kinh tế địa phương; phát huy vai trò của Liên minh HTX tỉnh và sự phối hợp của các đoàn thể trong việc vận động, tuyên truyền đoàn viên, hội viên, quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.
Phúc Nguyên