Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách trong vùng đồng bào DTTS
Những năm qua, tỉnh ta đặc biệt chú trọng đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách để thực hiện giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa.
Dân số của tỉnh ta hiện có khoảng 569.000 người, trong đó DTTS có tỷ lệ cao với khoảng 313.406 người (chiếm 55,1% tổng dân số); trong đó có 7 DTTS tại chỗ, gồm Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ- Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh chủ yếu sinh sống tập trung thành cộng đồng, cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Để phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi một cách hiệu quả, tỉnh ta đã triển khai chương trình, chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho người nghèo vùng đồng bào DTTS. Trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong những “đòn bẩy” quan trọng để giúp người dân có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình, từng bước giảm nghèo bền vững.
Theo đó, các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn bao gồm các chương trình như: Cho vay phát triển sản xuất, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS và miền núi; các dự án và tiểu dự án hỗ trợ đồng bào DTTS giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, tổng kinh phí giải ngân các chương trình gần 155,3 tỷ đồng với 9.205 lượt hộ vay vốn.
|
Với cơ chế vay không phải thế chấp, thủ tục vay thuận lợi, đơn giản thông qua sự ủy thác từ các hội, đoàn thể đã tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách nghèo đồng bào DTTS dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn để mở rộng sản xuất, tăng diện tích các cây trồng như cà phê, cao su, bời lời và tăng số lượng đàn gia súc như trâu, bò, dê.
Hiệu quả từ các chương trình, dự án trên đã góp phần giúp đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, thu nhập; cải thiện việc sử dụng vốn vay hiệu quả, tránh xa các nguồn vốn tín dụng đen; củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 38,63% (năm 2006) xuống còn 6,32% vào cuối năm 2021.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, việc phát triển vay vốn tín dụng chính sách để phát triển đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn vẫn còn những khó khăn, bất cập. Trong đó, “nếp nghĩ, cách làm” cũ của đồng bào DTTS là một trong những khó khăn, trở ngại lớn; nhiều hộ DTTS chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất hoặc sử dụng nguồn vốn chưa thật sự hiệu quả. Ngoài ra, mức vay của các chương trình còn thấp so với nhu cầu thực tế trong đầu tư sản xuất, kinh doanh của các hộ DTTS cũng là một trở ngại trong việc bảo đảm nhu cầu sử dụng vốn vay hiệu quả.
Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả cho người dân nghèo vùng đồng bào DTTS làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030; tập trung nguồn lực tín dụng đầu tư giải quyết một số vấn đề về thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng mức vay, tăng thời hạn cho vay các nguồn vốn tín dụng; tập trung vào các ngành nghề trọng yếu để định hướng việc làm ăn, tạo sinh kế của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật, định hướng thị trường tiêu thụ; khuyến khích đồng bào DTTS định canh, định cư để vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc.
Hoàng Thanh