Phát huy hiệu quả của các Tổ tiết kiệm và vay vốn
Thời gian qua, các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trên địa bàn tỉnh làm tốt vai trò là cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng khác ở cơ sở. Qua đó, giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình và từng bước thoát nghèo bền vững.
Thời gian qua, các ban, ngành, địa phương trên toàn tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nâng cao chất lượng, kiện toàn và củng cố mạng lưới tổ TK&VV của các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội tại các địa phương cơ sở. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách được quản lý chặt chẽ, giúp người dân vay vốn sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.
Toàn tỉnh hiện có 1.674 tổ TK&VV đang hoạt động hiệu quả tại 756 thôn, tổ dân phố. Các tổ TK&VV chịu sự quản lý trực tiếp của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với gần 68.000 thành viên, bình quân mỗi tổ có 41 thành viên.
Thành viên của tổ TK&VV là hộ nghèo và các đối tượng chính sách cùng sống trên một địa bàn thôn, tổ dân phố; hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Thông qua tổ TK&VV, các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn đăng ký vay vốn; sau đó được tổ chức bình xét công khai, dân chủ dựa trên các điều kiện hướng dẫn của tổ chức tín dụng và giám sát của trưởng thôn và tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, được chính quyền cấp xã phê duyệt.
|
Hằng năm, các tổ TK&VV đều tổ chức đánh giá, kiểm điểm xếp loại để kịp thời động viên, phê bình những mặt làm được và chưa được. Theo thống kê, hàng năm đều có trên 90% tổ xếp loại tốt, 10% tổ xếp loại khá và trung bình, không có tổ yếu kém.
Nhiều năm qua, tổ TK&VV khối phố 2 (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) đã phát huy hiệu quả trong quản lý và chuyển tải nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng; giúp bà con nghèo sử dụng vốn vay hiệu quả, tham gia gửi tiền tiết kiệm tạo tích lũy giảm bớt khó khăn khi nợ đến hạn; giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, khó khăn, trao đổi cùng nhau áp dụng các cách làm, mô hình hay trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ trong tiêu thụ sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Chuyên- Tổ trưởng Tổ TK&VV khối phố 2, thị trấn Đăk Tô cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương cùng Hội LHPN thị trấn Đăk Tô, tôi luôn kịp thời nắm bắt những thông tin mới về chính sách, nguồn vốn tín dụng để có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, vận động hội viên tham gia bình xét vay vốn công khai, dân chủ, minh bạch, phân tích cụ thể từng trường hợp, ưu tiên những hoàn cảnh khó khăn được vay trước. Đến nay, tổ có 52 tổ viên với dư nợ gần 2,43 tỷ đồng cho vay các chương trình như vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vay hỗ trợ việc làm, mở rộng việc làm, vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 100% tổ viên đều tham gia gửi tiết kiệm được 200 triệu đồng, là một trong những tổ có số dư tiền gửi cao”.
Không chỉ Tổ TK&VV khối phố 2, thị trấn Đăk Tô, nhiều tổ TK&VV tại các địa phương khác trên toàn tỉnh luôn làm tốt nhiệm vụ quản lý nguồn vốn vay ưu đãi một cách hiệu quả.
Bà Y Lực- Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Mô Pảh, xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) cho biết: “Tổ TK&VV thôn do Hội Cựu chiến binh xã quản lý. Sau khi các tổ viên nhận tiền vay, tôi phối hợp cùng Hội Cựu chiến binh để giám sát và kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các hộ trong thôn để đảm bảo đúng mục đích. Trong 12 năm tôi làm tổ trưởng, tổ đã có 231 lượt tổ viên được vay vốn với gần 6,95 tỷ đồng. Hiện tổ còn 7 tổ viên là hộ nghèo đang vay vốn với số tiền 330 triệu đồng để phát triển sản xuất, chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò sinh sản và trồng sâm dây. Các tổ viên còn ý thức gửi tiết kiệm để làm quỹ dự phòng rủi ro, hiện có 47 hộ hàng tháng tham gia gửi tiết kiệm định kỳ được 104 triệu đồng”.
Ngoài việc quản lý tốt nguồn vốn vay, nhiều tổ TK&VV trên địa bàn còn làm tốt công tác tuyên truyền về các chính sách tín dụng để tổ viên nắm rõ và chủ động tham gia; có ý thức trả lãi đúng hạn, đúng kỳ để tạo uy tín cho bản thân đối với địa phương và các tổ chức nhận ủy thác.
Bà Phan Thị Thanh Hoa - Tổ trưởng Tổ TK&VV tổ dân phố 3, thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plong) chia sẻ: “Trước buổi giao dịch với Chi nhánh NHCSXH huyện Kon Plông trong tháng khoảng 10 ngày, chúng tôi tổ chức họp các tổ viên để tuyên truyền về các chính sách tín dụng mới và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đôn đốc tổ viên có kế hoạch trả nợ và lãi đúng hạn. Nhờ đó, các tổ viên đã đẩy mạnh phong trào tham gia gửi tiền tiết kiệm, tích lũy để dành trả nợ khi rủi ro. Hiện tổ có 42 tổ viên với dư nợ gần 4,44 tỷ đồng; trong đó không có nợ quá hạn, 100% tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số tiền 206 triệu đồng”.
Hoàng Thanh