“Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” ở Đăk Hà
Những năm qua, huyện Đăk Hà đã triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” (SXKDG), qua đó, khích lệ động viên người dân vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhiều hộ nông dân SXKDG trên địa bàn huyện Đăk Hà đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả SXKD. Trên địa bàn huyện Đăk Hà hiện có 16 HTX, 34 trang trại, 71 THT/2.845 tổ viên; thành lập 13 chi hội nghề nghiệp với 177 hội viên, hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dệt thổ cẩm, đan lát... Ngoài ra, còn có các mô hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn hoạt động có hiệu quả như: Mô hình trồng cây sa nhân 2ha tại xã Ngọc Réo; mô hình thu mủ cao su sử dụng công nghệ khí ethylen tại thôn 6 xã Ngọc Wang; mô hình trồng cây ăn trái xen trong vườn cà phê tại thôn 7 xã Ngọc Wang…
Việc huyện Đăk Hà chỉ đạo các cấp Hội Nông dân huyện Đăk Hà phối hợp với chính quyền các địa phương cơ sở trên địa bàn triển khai hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua SXKDG” đã góp phần khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau giảm nghèo, thi đua làm giàu; xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Thiện Tú- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Hà cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân huyện tập trung chỉ đạo các tổ chức cơ sở hội trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hội viên nông dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát huy nguồn lực từ những hộ nông dân SXKDG các cấp, với tinh thần “tương thân tương ái”, hăng hái thi đua sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm tại chỗ, giúp đỡ các gia đình chính sách, những hộ nghèo gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ năm 2016 đến nay, các cấp hội trên địa bàn huyện Đăk Hà đã vận động các hộ SXKDG giúp đỡ 2.965 ngày công lao động, tạo việc làm cho hơn 1.670 lao động có việc làm tại chỗ và hơn 5.000 lao động có việc làm theo mùa vụ.
|
Đã xuất hiện những mô hình, gương nông dân điển hình trong SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, như hộ ông Nguyễn Hữu Tá (Tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà) với mô hình cá, thức ăn, gia súc, gia cầm, cho thu nhập 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho 15 lao động; hộ Hoàng Danh Chuyền (Tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà) với mô hình VAC thu lãi 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho 13 lao động; hộ A Hiếu (thôn Kon Gung, xã Đăk Mar) với mô hình VAC, thu nhập lãi 1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động. Huyện Đăk Hà hiện có 3.679 hộ đạt danh hiệu hộ SXKDG các cấp; trong đó cấp Trung ương 90 hộ, cấp tỉnh 400 hộ, cấp huyện 693 hộ, cấp cơ sở 2.496 hộ.
Phong trào SXKDG phát triển, xuất hiện nhiều gương nông dân xuất sắc, kinh doanh giỏi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các cấp hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, hộ nông dân SXKDG giúp 537 ngày công lao động, hỗ trợ cây, con giống với giá trị 25 triệu đồng cho 35 hộ hội viên nghèo.
Đến nay, Hội Nông dân huyện Đăk Hà phối hợp với NHCSXH huyện tín chấp cho hội viên nông dân vay vốn với tổng dư nợ 109.997 triệu đồng/2.413 hộ vay/66 tổ. Ngoài ra, trong năm 2021, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân 1,1 tỷ đồng/17 hộ nông dân ở xã Đăk Hring và xã Đăk Mar vay. Từ nguồn vốn được vay, đã giúp hội viên, nông dân xây dựng một số mô hình kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo ở địa phương.
Nhìn chung, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đăk Hà đã phối hợp với chính quyền các địa phương cơ sở chỉ đạo các tổ chức cơ sở Hội Nông dân trên địa bàn triển khai có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua SXKDG”. Qua đó, nâng cao thu nhập kinh tế cho hội viên nông dân trên địa bàn, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Cao Cường