GIÁ ĐƯỜNG XUỐNG THẤP:
Nông dân thấp thỏm vào vụ mía mới
Hiện nay giá đường đang ở mức rất thấp khiến giá thu mua mía cũng đứng ở ngưỡng thấp và người trồng mía lại thấp thỏm trước nỗi lo một vụ mía “đắng”.
|
Niên vụ mía 2014 – 2015 đã chính thức khởi động. Những ngày này, nông dân trên địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy, Đăk Hà… tất bật bắt tay vào thu hoạch mía. Tuy nhiên, không khí trên các cánh đồng mía có phần kém vui hơn các niên vụ trước, vì hiện tại giá đường đang ở mức rất thấp khiến giá thu mua mía cũng đứng ở ngưỡng thấp và người trồng mía lại thấp thỏm trước nỗi lo một vụ mía “đắng”.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum, hiện giá đường bán buôn trên thị trường Kon Tum chỉ còn khoảng 12.000 đồng/kg và giá bán lẻ vào khoảng 13.000 – 14.000 đồng/kg, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, lượng đường tồn kho của Công ty cổ phần Đường Kon Tum hiện còn đến gần 8.000 tấn.
Chính điều này đã tạo sức ép rất lớn lên vụ mía mới. Vụ này, giá mía nguyên liệu mà Công ty cổ phần Đường Kon Tum cam kết thu mua với nông dân là 850 đồng/kg (loại 10 chữ đường), nhưng được chia làm 3 thời điểm: đầu vụ giá 800 đồng/kg, giữa vụ 850 đồng/kg và cuối vụ 900 đồng/kg, tương đương với mức giá cam kết của niên vụ trước.
Tuy nhiên, các vụ mía trước, Công ty cổ phần Đường Kon Tum luôn thu mua mía của nông dân với mức giá cao hơn so với giá cam kết, nhưng năm nay, với giá đường hiện tại, điều này được dự báo rất khó xảy ra.
Theo tính toán của người trồng mía, với mức giá này, mấy năm trước người trồng mía còn có lời, chứ năm nay giá các loại chi phí đầu tư như phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công chặt mía… đều tăng, nên lợi nhuận thu được sẽ rất thấp.
Ông Nguyễn Văn Sơn (thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) tính toán: Nếu nhà nào có mía lưu gốc từ vụ trước còn đỡ, chứ nếu đầu tư trồng mới hoàn toàn chẳng còn lời lãi được là bao. Hiện nay, tổng chi phí cho 1ha mía thường nằm ở ngưỡng 45 – 48 triệu đồng, tính ra giá thành sản xuất cũng vào khoảng 650 đồng/kg. Trong khi đó, trồng mía đòi hỏi tốn khá nhiều công, từ việc cày xới, phun thuốc trừ sâu, đến việc phòng chống cháy… Đặc biệt, việc thu hoạch mía phải theo lịch của nhà máy nên tốn nhiều tiền thuê nhân công để đảm bảo thời gian, chứ không thể chặt rải rác để chủ mía có thể lấy công làm lời, giảm bớt chi phí được. Như vậy, sau khi trừ chi phí rồi, khéo lắm người trồng chỉ lãi từ 15-20 triệu đồng/ha.
Trong 2 năm trở lại đây, giá mía nguyên liệu có xu hướng chững lại, đặc biệt trong năm 2014 do chịu sức ép từ việc giảm giá đường, nên vùng trồng mía cũng liên tục bị thu hẹp.
Hiện nay, diện tích vùng nguyên liệu mía trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn chưa đầy 2.000ha, giảm khoảng 300ha so với niên vụ trước, trong đó thành phố Kon Tum có diện tích mía lớn nhất với khoảng 1.500ha, số còn lại nằm rải rác ở các huyện Kon Rẫy, Sa Thầy, Đăk Hà...
Trong khi giá mía giảm, giá một số nông sản khác như mỳ, bắp, lúa lại liên tục tăng, nên dù được nhà máy đường hỗ trợ một phần về chi phí đầu tư, kỹ thuật, cam kết đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm… nhưng nhiều nông dân cũng không mấy mặn mà với cây mía như khoảng 4-5 năm về trước, mà đã chặt bỏ mía để chuyển sang trồng các loại cây khác.
Như trên địa bàn thành phố Kon Tum, vụ đông xuân năm nay, nông dân đã chuyển đổi khoảng 40ha đất trồng mía sang trồng mỳ, bắp, rau màu… Nguyên nhân chính là do giá thành sản phẩm thấp, do canh tác nhiều năm nên năng suất cũng bị sụt giảm, sâu bệnh nhiều…hiệu quả kinh tế mang lại không như mong đợi.
Còn nhờ, cách đây mấy năm, cây mía được xen là một trong những cây xóa đói giảm nghèo cho nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh, vì thế diện tích cây mía không ngừng được mở rộng. Nhưng trước tác động chung của thị trường mía đường hiện nay, cây mía cũng không còn “ngọt ngào” như trước và người nông dân không đủ kiên nhẫn để gắn bó với cây mía, lại bắt đầu rơi vào vòng luẩn quẩn trồng rồi chặt.
Ngọc Thắng