Nông dân Đăk Tô thi đua sản xuất giỏi
Phối hợp tín chấp gần 90 tỷ đồng cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình; cung ứng vật tư hỗ trợ cho nông dân; phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho nông dân; hơn 1.000 hộ đăng ký và được công nhận hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp… là những hoạt động tích cực của Hội Nông dân huyện Đăk Tô nhằm hỗ trợ cho hội viên nông dân, góp phần hiệu quả vào Phong trào thi đua Nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn trong thời gian qua.
Từ năm 2015 đến nay, Hội Nông dân huyện Đăk Tô đã triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, đặc biệt là Phong trào thi đua Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhằm giúp đỡ nông dân thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.
Theo Hội Nông dân huyện Đăk Tô, trong quá trình thực hiện phong trào, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn xác định rõ những khó khăn trong đời sống, sản xuất và nhu cầu hỗ trợ của bà con nông dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh như nguồn vốn, kiến thức… Quan điểm xuyên suốt của tổ chức Hội Nông dân các cấp trên địa bàn, mọi sự hỗ trợ nông dân phải tính đến hiệu quả và nhu cầu thực tế, theo tinh thần “cho cần câu chứ không cho con cá” để người dân tự vươn lên chính bằng sự nỗ lực của mình, thoát nghèo bền vững.
Với tinh thần như trên, nhằm giúp bà con có nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, Hội Nông dân huyện Đăk Tô triển khai thực hiện tốt Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương, của tỉnh cho bà con nông dân trên địa bàn huyện với kinh phí 1,9 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp cho nông dân vay trên 78 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngân hàng thương mại khác cho nông dân vay trên 11 tỷ đồng mua máy nông nghiệp, vật tư hỗ trợ nông nghiệp. Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân huyện Đăk Tô phối hợp với các tổ chức triển khai cung ứng vật tư hỗ trợ nông dân như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại cây, con giống, máy nông nghiệp các loại.
|
Các cấp Hội Nông dân huyện Đăk Tô tiến hành hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học công nghệ mới bằng việc chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các trung tâm đào tạo mở các lớp đào tạo nghề, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi… Đồng thời, phối hợp định hướng cho bà con trong việc lựa chọn phát triển các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao; hướng dẫn nông dân liên kết, hợp tác theo nhóm hộ để sản xuất cùng một loại sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa; tập trung ruộng đất theo mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm.
Nhiều hộ nông dân của huyện Đăk Tô vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Nông dân A Thi ở thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô là một trong những điển hình như thế. Nhờ được Hội Nông dân huyện cử tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn nên A Thi có điều kiện từng bước vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình và trở nên giàu có, là một trong những tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn. Mới bước qua ngưỡng tuổi 36, nhưng A Thi có trong tay khối tài sản khá lớn mà nhiều người phải mơ ước với 24ha cây công nghiệp, nông nghiệp và ao hồ nuôi cá nước ngọt; hàng năm tổng thu nhập của gia đình A Thi ngót nghét 2 tỷ đồng. Mới đây, A Thi là nông dân duy nhất của tỉnh Kon Tum được vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.
Một gương điển hình khác là nông dân Cao Văn Luận ở thôn 3, xã Tân Cảnh - người trở thành “triệu phú chân đất” từ mô hình trồng cây cà phê ghép.
Ông Luận cho biết: Năm 2009, được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã, tôi dự tập huấn về kỹ thuật trồng cà phê tại thị trấn Đăk Tô. Thấy mô hình hay, sau đó, tôi tự tìm thêm tài liệu nghiên cứu và ưng ý nhất là loại cà phê vối ghép vào gốc cà phê mít. Qua tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, tôi đặt mua hơn 2.000 cây để về trồng thử. Sau 3 năm cây cho thu bói và năm đầu năng suất đạt khoảng 15 tấn/ha. Cứ vậy, mỗi năm một ít, sau 10 năm tần tảo, vườn cà phê 3 ha của gia đình tôi được thay thế hoàn toàn bằng cà phê ghép. So với cà phê cũ, cà phê ghép năng suất hơn từ 30-40%. Đơn cử như năm 2018, với diện tích 3 ha cà phê ghép, nhà tôi thu được hơn 83 tấn, chỉ riêng bán cà phê tươi, gia đình tôi thu lãi được hơn 300 triệu đồng.
Không chỉ nông dân A Thi, Cao Văn Luận, trên địa bàn huyện Đăk Tô ngày càng có nhiều nông dân vươn lên làm giàu từ các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả như: A Nghĩ ở xã Đăk Rơ Nga, Lê Ngọc Tuấn ở xã Kon Đào, A Đẹp ở xã Đăk Trăm… Nếu như năm 2015, toàn huyện có 352 hộ được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp thì đến năm 2018 đã có 1.019 hộ đăng ký và được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 667 hộ so với năm 2015.
Phải khẳng định rằng, nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, sự nỗ lực vươn lên của bà con, trên địa bàn huyện Đăk Tô ngày càng xuất hiện nhiều nông dân với các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Phúc Nguyên