Những tỷ phú nông dân
Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh diễn ra rất sôi nổi và đem đến những hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Nhiều nông dân không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Họ là những con người tiêu biểu, có ảnh hưởng tích cực ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.
Khi nhắc đến ông A Hình (56 tuổi) - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông), bà con trong thôn Đăk Song - nơi ông đang sinh sống đều cảm phục, không chỉ bởi sự cần cù, chịu khó lao động sản xuất, mà còn ở tấm lòng biết sẻ chia, giúp đỡ nhiều người dân địa phương vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Ông A Hình kể, khoảng thời gian từ năm 2000 trở về trước, bà con nông dân ở xã Tê Xăng hầu hết chỉ trồng cây lúa 1 năm 1 vụ, sản lượng thu hoạch đôi lúc không đủ ăn nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Cầm lòng không đặng trước tình cảnh đói nghèo dai dẳng của người dân địa phương, ông luôn trăn trở tìm hướng đi trong sản xuất cho gia đình mình và qua đó tìm cách hướng dẫn, giúp đỡ bà con nông dân phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Năm 2004, ông A Hình bỏ ra 15 triệu đồng đi Gia Lai mua 100 bó mì về trồng rồi nhân giống chia sẻ cho bà con. Qua các mùa vụ, cây mì thu hoạch cho sản lượng khá, giúp được một số hộ dân có thêm khoản tiền nhỏ để trang trải cuộc sống.
|
Năm 2008, qua xem tivi và nghe đài, ông A Hình biết bà con ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đang phát triển trồng cây sâm Ngọc Linh và thoát được nghèo. Ông lặn lội hàng chục cây số qua địa phương bạn để tìm hiểu việc trồng và chăm sóc loại sâm quý này. Sau 1 tuần học hỏi ở đây, ông dùng 100 triệu đồng mua 100 hạt giống và 50 cây sâm Ngọc Linh từ 1 đến 2 tuổi đem về Tê Xăng trồng.
Nhiều năm sau, nhờ siêng năng chăm sóc, vườn sâm Ngọc Linh ở độ cao hơn 1.900m của ông A Hình sinh trưởng và phát triển tốt. Ông còn chịu khó leo núi, băng rừng tìm những cây sâm Ngọc Linh tự nhiên đem về vườn của mình để nhân giống. Có hạt giống từ những quả sâm thu hoạch được, ông đem ươm thành cây con. Đến nay, vườn sâm Ngọc Linh của ông có đến hàng nghìn cây với diện tích 0,5ha.
Không dừng lại ở việc trồng sâm Ngọc Linh, ông A Hình còn trồng 5ha bời lời, 5ha mì, 2ha cà phê, 3 sào sâm dây và lan kim tuyến, nuôi 20 con heo, 10 con bò, 5 con trâu... Với mô hình kinh tế của mình, tổng thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí của ông đạt trên 500 triệu đồng.
|
Ông A Hình cho biết, từ khi trồng sâm Ngọc Linh cùng các dược liệu khác thành công, ông đều chia sẻ kiến thức, hạt giống và cây giống với giá rẻ để bà con trồng nhân rộng. Bên cạnh đó, với mô hình kinh tế của mình, ông còn tạo việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương, nhất là trong các vụ thu hoạch. Đến nay, có rất nhiều hộ dân ở xã Tê Xăng dần thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền ông A Hình được các cấp Hội Nông dân và chính quyền địa phương tặng Giấy khen. Đặc biệt, ông là 1 trong 63 nông dân tiêu biểu trong cả nước vinh dự được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016”.
Cũng giống ông A Hình, ông A Hiếu (49 tuổi) ở thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà là một trong những nông dân tiêu biểu ở Đăk Hà biết tận dụng lợi thế thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương để phát triển mô hình sản xuất phù hợp.
Từ khi còn thanh niên, ông A Hiếu đã chăm chỉ lao động và nuôi chí vươn lên thoát nghèo. Nhiều năm tìm tòi, học hỏi, chịu khó khai hoang đất đai, ông A Hiếu bắt đầu trồng cây lúa nước, cây mì. Vừa làm vừa tích góp, sau này ông trồng thêm cây bời lời, cây cà phê và cây cao su.
Đến nay, tổng diện tích canh tác của ông A Hiếu đạt gần 11ha. Thu nhập sau khi trừ chi phí đạt 1,2 tỷ đồng mỗi năm. Với mô hình trồng trọt của mình, ông A Hiếu giúp 18 lao động có việc làm thường xuyên, 350 lao động có việc làm trong mùa vụ thu hoạch.
|
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông A Hiếu luôn sẵn lòng chia sẻ kiến thức làm nông nghiệp, hỗ trợ lương thực, cây giống, con giống và cho vay tiền không lấy lãi với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng cho các hộ nghèo phát triển kinh tế. Ông là người đưa ra sáng kiến “Phà chở khách và hàng hóa qua lòng hồ thủy điện Plei Krông” để kết nối giao thông giữa xã Đăk Mar với xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy).
Ông A Hiếu cho hay, trước năm 2005, bà con 2 thôn Kon Gung và Đăk Mút (xã Hơ Moong) thường hay đi thuyền gỗ qua sông Pô Kô để làm rẫy. Sau năm 2005, thuỷ điện Plei Krông được xây dựng, khu vực giữa 2 thôn nước dâng thành lòng hồ thuỷ điện khiến việc đi lại của bà con trở nên khó khăn. Thấy vậy, ông bàn với gia đình đầu tư một chiếc phà nhỏ để bà con đi lại thuận lợi.
Thời gian sau, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được nhân rộng, diện tích trồng cao su, cà phê bắt đầu tăng lên. Người đi lại qua phà ngày càng nhiều. Nhận thấy nhu cầu đi lại tăng cao, ông A Hiếu tiếp tục đầu tư mua 2 chiếc phà lớn. Với 1 lượt đi phà, mỗi chiếc xe máy ông A Hiếu lấy 10.000 đồng, ôtô hay phương tiện khác ông lấy 50.000 đồng, còn bà con đi lại sản xuất ông không lấy tiền. Từ những chiếc phà của mình, mỗi năm, ông A Hiếu thu nhập được gần 1 tỷ đồng.
Ông A Hiếu là người gương mẫu, luôn năng nổ trong công tác xã hội. Ông tích cực tuyên truyền bà con giữ gìn an ninh, trật tự, không tin hay nghe theo kẻ xấu lợi dụng dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; ông còn dùng máy cày của gia đình chở vật liệu xây dựng, tham gia nhiều ngày công để làm đường bê tông cho thôn…
|
Với những nỗ lực và đóng góp của mình, ông A Hiếu được nhận Giấy khen của Hội Nông dân tỉnh, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông vinh dự được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017”.
Ngoài ông A Hình và ông A Hiếu, tỉnh Kon Tum còn nhiều nông dân tiêu biểu khác như ông Nguyễn Khắc Phương (54 tuổi) ở thôn 8, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy, người đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018”. Với mô hình cà phê, cao su, hồ tiêu trên tổng diện tích 11ha, hàng năm, ông Phương thu nhập gần 1,7 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Ông còn giúp 2 hộ ở thôn 8 thoát nghèo, bà con thôn Kon Wang (thôn 7) phát triển kinh tế, 10 hộ từ tỉnh Thanh Hóa vào thị trấn Đăk Rve lập nghiệp thành công và 12 lao động có việc làm thường xuyên với mức lương 3,5 - 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn ủng hộ hàng chục triệu đồng cho công tác xã hội…
Hay anh A Thi (36 tuổi) ở thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô, người đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Với mô hình mì, cà phê, cao su, nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích 24ha, anh A Thi có thu nhập hàng năm gần 2 tỷ đồng. Anh còn giúp 20 lao động có việc làm thường xuyên và hàng trăm lao động có việc làm trong mùa vụ thu hoạch…
Sau khi đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, những nông dân A Hình, A Hiếu, Nguyễn Khắc Phương hay A Thi vẫn tiếp tục nỗ lực phấn đấu, học hỏi áp dụng những mô hình kinh tế mới và đóng góp không ngừng cho quá trình phát triển sản xuất ở mỗi địa phương. Họ xứng đáng là những tấm gương sáng cho các nông dân khác học tập và noi theo.
Đức Thành