Những bệnh binh làm kinh tế giỏi
Phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, thời gian qua, nhiều thương binh, bệnh binh trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi. Ông A Thia (ở xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei) và ông Nguyễn Văn Lữu (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) là hai trong số những tấm gương bệnh binh sản xuất giỏi.
Chúng tôi gặp họ, những người lính già, bệnh binh trong buổi lễ tuyên dương người có công tiêu biểu toàn tỉnh và xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ giai đoạn 2017 - 2022. Trở về sau chiến tranh, dù sức khỏe đã suy giảm nhiều, nhưng họ vẫn luôn nỗ lực, vượt qua khó khăn vươn lên để xây dựng cuộc sống ấm no.
|
Năm 1976, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông A Thia (67 tuổi) xuất ngũ trở về địa phương với tỉ lệ mất sức lao động trên 61%. Ông lập gia đình rồi bắt tay vào xây dựng cuộc sống với nhiều khó khăn.
Ông A Thia chia sẻ: Dù hàng tháng tôi đều nhận được khoản trợ cấp của Nhà nước, nhưng nhà đông con nên không đủ trang trải cuộc sống, cứ thiếu trước, hụt sau.Thế là, dù không mấy khỏe khoắn, nhưng tôi vẫn cố gắng khai khẩn ruộng đất, cải tạo làm lúa nước, trồng mì, chăn nuôi. Cứ thế khó khăn dần dần được giảm bớt.
Tuy nhiên, ông A Thia hiểu rằng, nếu chỉ trồng những loại cây ngắn ngày, trong khi đất đai ngày càng bạc màu thì cũng chỉ đủ ăn; muốn cuộc sống khấm khá hơn thì phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để gia tăng thu nhập. Với quyết tâm đó, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng bời lời, nuôi bò lai sinh sản.
Hiện tại. gia đình ông A Thia có 5 con bò sinh sản, mỗi năm từ tiền bán bê con, ông thu về khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra ông còn có 2ha bời lời, rẫy mì mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng.
“Có thể mức thu nhập của gia đình tôi chưa phải là nhiều, nhưng cũng được coi là khá giả trong làng. Nhờ đó, tôi có điều kiện lo cho con cái, xây dựng nhà cửa khang trang. Cuộc sống ổn định và ngày càng được nâng cao” – ông A Thia trải lòng.
|
Cũng giống như ông A Thia, ông Nguyễn Văn Lữu (73 tuổi) là đối tượng bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41- 50% .
Ông Lữu chia sẻ: “Quê tôi ở Bắc Giang, năm 1968, tôi nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên Huế, đến năm 1974 thì xuất ngũ về quê. Cuộc sống ở quê gặp nhiều khó khăn do đất chật người đông nên năm 2013 gia đình tôi chuyển vào Kon Tum với quyết tâm lập nghiệp trên quê hương mới. Với toàn bộ vốn liếng tích cóp được, tôi đã mua 2 ha đất để canh tác”.
Ông Lữu trồng các loại cây lương thực ngắn ngày, áp dụng khoa học kĩ thuật trong trồng trọt; sau đó lại đầu tư chăn nuôi gà. Sau vài năm, việc sản xuất gặp nhiều thuận lợi cho thu nhập khá nên cuộc sống dần ổn định.
Hiện tại, cuộc sống đã khấm khá hơn, con cháu đều trưởng thành nên hai vợ chồng ông đã giao lại toàn bộ đất đai cho các con canh tác.
Không chỉ là tấm gương sáng trong vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi thành công, ông Nguyễn Văn Lữu còn là hội viên Cựu Chiến binh gương mẫu, tích cực được các cấp hội khen thưởng.
Ông A Thia và ông Nguyễn Văn Lữu là 2 trong số hơn 100 người có công tiêu biểu (giai đoạn 2017-2022) của tỉnh. Họ luôn nỗ lực lao động, đóng góp tích cực trong phong trào sản xuất ở địa phương, là tấm gương sáng để mọi người noi theo.
Thanh Tú