Nhiều ngành nghề ảnh hưởng bởi dịch Covid -19
Thời gian qua, dịch bệnh Covid -19 xảy ra ở các nước trên thế giới (trong đó có nước ta) đã tạo ra những hệ lụy về kinh tế - xã hội, khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, thu nhập của một bộ phận dân cư vì thế cũng giảm theo. Trong đó, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, hàng quán ế ẩm, phụ huynh bối rối với việc trông giữ con trẻ là những hệ lụy trước mắt do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Từ khi có dịch bệnh Covid-19, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân. Đó chính là người nông dân trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, nhiều người trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Đăk Tô và thương lái đang “méo mặt”, vì dưa hấu “rớt giá” do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thời điểm Tết Canh Tý 2020, nhiều thương lái đổ xô đến các hộ dân trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Đăk Tô để “đặt cọc” tiền mua dưa, nhưng sau Tết - thời điểm thu hoạch, chủ vườn dưa liên lạc lại thì thương lái đều “bỏ của chạy lấy người”. Thực trạng đó càng khiến cho giá dưa xuống thấp, người dân trồng dưa ở huyện Đăk Tô không biết tiêu thụ sản phẩm dưa hấu đã thu hoạch ở đâu. Thế là, họ đành mang dưa ra ven đường bày bán với hy vọng gỡ gạc chút vốn liếng đã đầu tư.
Ông Lương Văn Hội, người trồng dưa ở thôn 4, xã Diên Bình (huyện Đăk Tô) cho biết, mùa dưa hấu gia đình ông trồng gần 3ha, nhưng khi đến thời điểm thu hoạch lại chẳng có ai mua sản phẩm. Ông Hội đành cắt dưa đem ra lề đường bán dần. Cũng may, nhiều người đi đường đến mua ủng hộ nên gia đình ông cũng thu lại được ít vốn.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, không chỉ người nông dân trồng dưa hấu, nông sản bị ảnh hưởng sau khi dịch Covid 19 xảy ra mà nhiều nghề khác cũng bị ảnh hưởng như quán cà phê, trường tư thục, các doanh nghiệp vận tải…
Bà Nguyễn Thị Liên (chủ một quán cà phê tại phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) cho biết, trước đây, mỗi ngày có đến cả trăm khách ghé quán uống cà phê. Thế nhưng, từ khi có dịch Covid- 19, lượng khách đến quán ít hẳn. Bởi, theo khuyến cáo của Bộ Y tế cần hạn chế đến nơi đông người nên nhiều người ngại đến quán uống cà phê. Mỗi ngày chỉ vài chục người mà chủ yếu là khách đường xa, thu nhập của quán vì vậy cũng giảm hẳn.
Dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các trường mầm non tư thục trên địa bàn, bởi chủ trương cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2. Học sinh không có, đồng nghĩa cơ sở giáo dục mầm non tư thục cũng không có thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tư thục Cổ tích (thành phố Kon Tum) tâm sự: Việc học sinh nghỉ học do dịch Covid - 19 khiến nguồn thu của trường gặp khó khăn. Trong khi đó, nhà trường vẫn phải chi trả lương nhằm đảm bảo đời sống cho giáo viên.
Từ khi dịch Covid-19 xảy ra ở các nơi, tuy là địa phương chưa có người nhiễm Covid-19 nhưng đời sống người dân tại Kon Tum cũng gặp phải những xáo trộn nhất định. Tuy việc học sinh nghỉ học để tránh dịch được sự ủng hộ của phụ huynh nhưng cũng khiến cho nhiều phụ huynh gặp nhiều khó khăn, nhất là với những người có con nhỏ đang ở tuổi học mầm non, với nhiều cặp vợ chồng làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc công tác xa nhà thì vấn đề này càng thêm nan giải.
Theo vợ chồng anh Nguyễn Văn Học và chị Nguyễn Thi Hương (trú tại tổ 4, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum), cả anh và vợ đều là công nhân tại khu công nghiệp Hoà Bình. Vừa qua, đứa con trai học mầm non của anh được nhà trường cho nghỉ học khiến hai vợ chồng anh không biết xoay xở thế nào.
“Con nghỉ học, nhưng hai vợ chồng đều phải đi làm tối mặt tối mũi thì biết lấy ai trông con được. Cuối cùng vợ chồng tôi bàn bạc nhờ bà ngoại lên chăm cháu. Cũng may là bà ngoại đang còn khỏe chứ nếu không thì chúng tôi cũng chẳng biết xoay xở thế nào”, anh Học cho biết.
|
Cũng chịu tác động của dịch Covid-19, một số đơn vị kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng khá nhiều nhưng điều đáng mừng là các doanh nghiệp thực hiện phòng dịch theo đúng chỉ đạo của ngành Giao thông Vận tải và khuyến cáo của ngành Y tế nhằm góp phần bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân.
Ông Trần Văn Sự - Giám đốc công ty TNHH Việt Tân cho biết, trong những ngày qua, doanh nghiệp phải chịu lỗ nặng vì lượng khách đi lại giảm hơn 60%, trong khi đó vì để đảm bảo thương hiệu, uy tín doanh nghiệp phải luôn luôn giữ tuyến, lượng xe tham gia vận chuyển cũng phải giữ nguyên.
Văn Phương