Nhập nhèm “siêu thị tự phong”
Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng một số cửa hàng, cơ sở kinh doanh hàng hoá bình thường nhưng chủ cơ sở đặt tên gọi là siêu thị, trung tâm mua sắm nhằm câu khách. Điều này không chỉ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín của các siêu thị thực thụ.
Việc mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại đang là xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng hiện nay; bởi, ở đây hàng hóa thường phong phú, đa dạng, trưng bày bắt mắt…, người tiêu dùng tha hồ lựa chọn hàng hóa phù hợp với túi tiền và “gu thẩm mỹ” của mình.
Quan trọng hơn là khi mua hàng ở các siêu thị, trung tâm mua sắm, người tiêu dùng luôn yên tâm về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, tránh được việc mua phải hàng giả, hàng trôi nổi...
Nắm bắt được xu hướng tâm lý của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh nhỏ đã tự nâng cơ sở của mình thành “siêu thị” và trưng ra tấm biển với tên gọi mặt hàng kinh doanh phía sau thành “loạn xà ngầu” nhằm đánh lừa khác hàng, như: Siêu thị máy tính, siêu thị điện thoại, siêu thị nội thất, siêu thị mắt kính…
|
Theo Quyết định số 1.371/2004/QĐ-BTM (ngày 24/9/2004) của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại thì siêu thị là loại hình cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; có cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa của khách hàng.
Theo đó, tiêu chuẩn được gọi là siêu thị và phân hạng siêu thị, nếu cơ sở kinh doanh thương mại có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới thương mại của tỉnh, thành phố và có quy mô, trình độ tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản như: có diện tích từ 250m2 đến hơn 5.000m2; danh mục kinh doanh từ 4.000 đến 20.000 tên hàng trở lên, có quy chế hoạt động được duyệt sẽ được Sở Công thương công nhận là siêu thị với các thứ hạng I, II, III...
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, có những cửa hàng, cơ sở bán lẻ quy mô nhỏ, không đạt tiêu chuẩn về diện tích, chủng loại hàng hóa, vốn, trang thiết bị chuyên dùng... nhưng chủ cơ sở vẫn gắn lên tấm biển siêu thị trong khi chưa được cơ quan chức năng công nhận. Thậm chí có cửa hàng mắt kính nhỏ xíu cũng trưng tấm biển “siêu thị mắt kính”.
Chẳng hạn như cửa hàng mắt kính nằm ngay ngã tư đường Lê Hồng Phong – Hùng Vương, một cửa hàng mắt kính có diện tích khá khiêm tốn nhưng chủ cửa hàng vẫn gắn lên tấm biển “siêu thị mắt kính” khá hoành tráng.
Hay như trên đường Lê Hồng Phong có cửa hàng mang tên “Th.H” chuyên chỉ bán quần áo nam nhưng cũng được chủ cơ sở này trưng lên tấm biển “trung tâm thời trang nam”...
Theo một số cán bộ quản lý thị trường, việc một số trường hợp cửa hàng, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tự phong là siêu thị là do chủ cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về các quy định của Nhà nước trong việc đặt tên gọi. Vì vậy, khi họ bán được nhiều hàng hoá hoặc mở rộng quy mô một chút là lập tức đặt là siêu thị cho “oai”, cho “oách”.
Tuy nhiên, cũng có một số chủ cơ sở cố tình lạm dụng tên gọi siêu thị nhằm đánh lừa người tiêu dùng, khiến khách hàng cứ đinh ninh rằng mình đang được mua sắm ở các cơ sở uy tín, đúng tiêu chuẩn. Hành vi này còn gây ra lộn xộn trong kinh doanh và ảnh hưởng đến uy tín các siêu thị thực thụ.
Trước thực trạng này, đầu năm 2018, Đội Quản lý thị trường số 1 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở một số cơ sở kinh doanh vi phạm tự tháo dỡ, xoá bỏ tấm biển “siêu thị”. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở gắn biển với tên gọi siêu thị khi kinh doanh hàng hóa không đúng quy định chung.
Trong tháng 5 và tháng 6, qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố, Đội Quản lý thị trường số 1 đã xử lý 2 trường hợp đó là “Siêu thị mắt kính” (tại địa chỉ số 24 Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum) và “siêu thị điện máy Duyên” (tại địa chỉ số 307 Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum) vì có hành vi vi phạm đặt tên gọi của cơ sở là siêu thị không đúng theo qui định.
Trong khi các siêu thị thực thụ luôn phải nỗ lực khẳng định vị thế, uy tín để xứng đáng với tên gọi của mình thì có những cơ sở kinh doanh không phải vất vả gì mà chỉ cần gắn lên đó một tấm biển cũng được gọi là siêu thị là có thể “đánh lừa người tiêu dùng”. Đã đến lúc, hành vi trên cần phải được các ngành chức năng xử lý nghiêm nhằm góp phần bảo đảm công bằng trong kinh doanh hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thiết lập trật tự trong kinh doanh.
Thiên Hương