Nhân lực cho hợp tác xã
Câu chuyện về nguồn nhân lực của hợp tác xã không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Đặc biệt, khi chuyển đổi mô hình hoạt động hợp tác xã từ kiểu cũ sang kiểu mới thì vấn đề nhân lực lại càng được quan tâm.
Sau một thời gian học, mày mò tìm hiểu, chị Y Pót – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên, huyện Tu Mơ Rông đã sử dụng thành thạo máy sấy bơm nhiệt, máy hút chân không. Qua nỗ lực vượt khó, chị bất ngờ về bản thân mình. Với học lực hết lớp 9, hơn nữa, từ trước đến nay, ở làng, đã quen với việc dùng sức người là chính, vậy mà nay, với sự nỗ lực, kiên trì, chị cũng biết sử dụng máy móc để phục vụ nhu cầu sản xuất.
Hai chiếc máy đưa vào sử dụng, một phần để giảm nhân công, hơn nữa, tạo ra đa dạng các sản phẩm mà không lo ảnh hưởng bởi thời tiết. Cũng nhờ đó, Hợp tác xã Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên có nhiều sản phẩm ra đời với chất lượng và mẫu mã đẹp hơn.
Thế nhưng, điều chị Y Pót lo lắng, cả Hợp tác xã có 33 thành viên, chỉ có chị vận hành thành thạo máy móc. Các thành viên khác, dù đã được hướng dẫn, nhưng phần e sợ vì công suất máy cao, phần khác lại quên cách sử dụng nên không thể thực hiện được. Phải ôm đồm nhiều việc, nhiều lúc chị cảm thấy mệt lả người.
|
Hợp tác xã Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên đã có các sản phẩm OCOP cấp tỉnh, tuy nhiên, việc kinh doanh lại gặp vấn đề bởi thiếu người biết quản lý thu chi, hóa đơn, chứng từ; thiếu người biết xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; thiếu người quản lý có chuyên môn, biết sử dụng các phần mềm máy tính...
Đồng hành, theo dõi sự phát triển của Hợp tác xã, chị Trần Thị Phong Lan – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhìn nhận rằng, cái khó nhất của Hợp tác xã Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên chính là nhân lực. Là nông dân, các chị em phụ nữ nhiệt tình, chịu khó nhưng chưa biết cách điều hành, quản lý tài chính cũng như vận hành máy móc. Để Hợp tác xã Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên phát triển, Hội LHPN tỉnh đang trăn trở, tìm kiếm nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng, có năng lực dẫn dắt, để kết nối, để tạo ra các chiến lược kinh doanh cũng như định hướng để các thành viên khác cùng chung sức thực hiện.
Cái khó của Hợp tác xã Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên cũng chính là cái khó của nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Không chỉ đơn thuần là sản xuất, để trụ vững, các hợp tác xã phải làm ra sản phẩm và có doanh thu từ sản phẩm. Nhiều hợp tác xã thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ, dẫn đến, làm ra sản phẩm nhưng không thể bán được; có vùng nguyên liệu sản xuất nhưng lại “chết yểu” vì thiếu người đảm nhận việc điều hành, vận hành hoạt động kinh doanh; chưa nhạy bén tham gia các dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoặc tổ chức sản xuất kinh doanh như một doanh nghiệp.
Câu chuyện về nguồn nhân lực của hợp tác xã không mới nhưng lại chưa bao giờ cũ. Đặc biệt, khi chuyển đổi mô hình hoạt động hợp tác xã từ kiểu cũ sang kiểu mới thì vấn đề nhân lực lại càng được quan tâm. Việc thu hút người nông dân tham gia vào hợp tác xã không khó, nhưng, thu hút người có trình độ chuyên môn để đảm nhận vai trò điều hành lại là không dễ. Và khi thành lập hợp tác xã, nếu thiếu sự định hướng, điều hành, không tạo ra sinh kế cho các thành viên, thì việc giải thể là điều khó tránh.
Kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã luôn có vai trò và vị trí quan trọng đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Do đó, ngoài các chính sách về thu hút, tạo điều kiện để phát triển các hợp tác xã, cần có thêm chính sách để thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn.
Để giải “bài toán” về nhân lực cho các hợp tác xã, hàng năm, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về quản lý cho các hợp tác xã. Cùng với đó, tổ chức cho cán bộ, quản lý đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả trong tỉnh và ngoài tỉnh. Các hoạt động hỗ trợ này luôn là “đòn bẩy” quan trọng. Tuy nhiên, tự thân mỗi hợp tác xã phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm nhân lực, thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Cùng với đó, mỗi hợp tác xã phải chủ động phát huy nội lực, tự tìm tòi, học hỏi, nâng cao năng lực và linh hoạt trong điều hành sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Giải được “bài toán khó” về nguồn nhân lực, các hợp tác xã sẽ có cơ hội để phát huy hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh và vươn lên phát triển bền vững hơn.
Hoài Tiến