“Nghịch lý” giải ngân đầu tư công
Cần tiền, nhưng khi có tiền lại chưa thể tiêu, hoặc tiêu rất chậm, là một “nghịch lý” trong đầu tư công. Để khắc phục những “nghịch lý” ấy cần có thêm quyết tâm và nỗ lực.
Giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, tránh lãng phí nguồn lực là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn đang khó khăn và chúng ta đang thực thi các giải pháp để phục hồi kinh tế.
Xác định rõ điều này, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.
Các ngành chức năng, địa phương, chủ đầu tư cũng quyết liệt thực thi nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Trong một báo cáo mới đây, UBND tỉnh cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao là 3.385 tỷ đồng (chưa bao gồm kế hoạch năm 2021 kéo dài sang năm 2022).
|
Tính đến cuối tháng 11/2022, toàn tỉnh đã giải ngân được 1.642,5/3.385 tỷ đồng, đạt 48,52% so với thực nguồn địa phương giao và đạt 54,52% kế hoạch Trung ương giao (3.012,8 tỷ đồng).
Nếu không tính nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được phân bổ, thì tỷ lệ giải ngân đạt 62,65% kế hoạch vốn địa phương giao và đạt 73,1% kế hoạch vốn Trung ương giao đầu năm.
Ước thực hiện đến hết niên độ, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh sẽ đạt khoảng 92% tổng số kế hoạch địa phương giao.
Tuy tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh (không tính các nguồn vốn vừa được phân bổ) cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 54,8%), nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Thực tế giải ngân vốn đầu tư cũng cho thấy các tồn tại cũ chưa được khắc phục.
Và đây chính là những điều “có lý” giúp “nghịch lý” cần tiền, nhưng khi có tiền lại chưa thể tiêu, hoặc tiêu rất chậm, tồn tại.
Về tổng thể, giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân mang tính hệ thống, tồn tại trong nhiều năm, có nguyên nhân do chủ quan, khách quan, do đặc thù của từng năm.
Ví dụ đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công các dự án, công trình. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá.
Mặt khác, với các dự án từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của Trung ương, mặc dù năm 2022 là năm thứ hai, nhưng thực tế lại là năm đầu, bởi tháng 7/2021 Quốc hội mới thông qua Kế hoạch. Các dự án mới mất 6-7 tháng làm thủ tục đầu tư, nên phải tới cuối năm mới có thể giải ngân được.
Hay kế hoạch giao vốn các Chương trình MTQG chậm nên hầu hết còn đang trong quá trình hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định.
Nhưng theo UBND tỉnh, nguyên nhân chủ quan cũng không ít, như giải phóng mặt bằng chậm; năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế, dẫn đến chất lượng hồ sơ một số dự án chưa cao, trong quá trình triển khai vẫn còn điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.
|
Một số đơn vị, địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt, sâu sát trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị chưa được phát huy đầy đủ. Công tác chỉ đạo điều hành có lúc thiếu quyết liệt, chưa kết hợp tốt giữa giao việc với kiểm tra đôn đốc và xử lý trách nhiệm.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, tỉnh ta xác định tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế.
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, một trong những ưu tiên được triển khai ngay từ đầu năm 2023 là khắc phục các hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tránh lãng phí nguồn lực.
Tất nhiên, để làm được điều này đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương và chủ đầu tư, nhà thầu. Phải khẳng định một thực tế rằng, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nơi đó đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn.
Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa. Các ngành, địa phương và chủ đầu tư cần chủ động chuẩn bị dự án thật tốt, nghiên cứu quy định liên quan đến chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để bảo đảm tính khả thi, để nếu được phân bổ vốn là đưa vào thực hiện ngay, giải ngân sớm, để tránh tình trạng vốn chờ dự án
Vai trò của Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 (thành lập theo Quyết định 835/QĐ-UBND ngày 7/9/2021 của UBND tỉnh) trong việc đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công cần được phát huy hơn nữa. Nhất là trong chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến quản lý điều hành, kiểm tra, giám sát, công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện, chất lượng công trình, tiến độ giải ngân.
Khắc phục tình trạng điều chỉnh dự án nhiều lần, tăng chi phí, đội vốn, có khi phải điều chỉnh quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư liên tục. Mới đây, UBND tỉnh đã cho thấy sự quyết tâm giải quyết tình trạng này khi ban hành văn bản nhấn mạnh từ nay trở đi không xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án do lỗi chủ quan của chủ đầu tư.
Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, các địa phương, chủ đầu tư và các cá nhân có liên quan, nếu để chậm triển khai dự án, không đảm bảo tiến độ giải ngân và chất lượng công trình.
Và cuối cùng, chủ đầu tư các dự án từ nguồn vốn đầu tư công cần phải nâng cao trách nhiệm, cập nhật kiến thức, quy định pháp luật, thậm chí dám nghĩ, dám làm để “tiêu tiền” đúng thời hạn, đúng mục đích, từ đó đảm bảo mục tiêu của các dự án công là phục vụ nâng cao đời sống dân sinh.
Hồng Lam