Ngành Điện Kon Tum: Tiếp tục mở rộng lưới điện hạ thế
Theo định hướng của tỉnh, ngành Điện sẽ tiếp tục đầu tư lưới điện cho thành phố Kon Tum gắn với các khu công nghiệp Sao Mai, Hòa Bình, các khu đô thị mới để trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ của tỉnh, phấn đấu để thành phố Kon Tum trở thành đô thị loại II miền núi, vùng cao, biên giới trước năm 2020.
Hệ thống lưới điện thành phố Kon Tum được xây dựng và nâng cấp từ năm 2005 bằng nguồn vốn vay ADB (Ngân hàng phát triển Châu Á). Tuy nhiên, do mạng lưới điện xây dựng từ lâu, chất lượng đã giảm, nhiều cử tri góp ý kiến cần triển khai nâng cấp và mở rộng lưới điện hạ thế để phát huy hiệu quả trong phát triển sản xuất, sinh hoạt cho người dân.
Ông Trần Văn Trung ở thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum lo lắng nói: Những khu dân cư phân tán, xa lưới điện hạ thế, người dân phải tự mua dây dẫn, cột, xà, sứ để đầu tư. Hầu hết các trụ đỡ dây điện bằng các cột tre, gỗ, thậm chí dây điện còn treo trên cây. Về cơ bản, các đường dây đầu tư của dân ở các vùng xa không bảo đảm tiêu chuẩn, thường xảy ra sự cố và không an toàn cho người sử dụng, chất lượng điện thấp, ảnh hưởng đến đời sống và phát triển kinh tế, trong khi tổn thất điện năng tăng cao.
Ông Nguyễn Phong Lưu - Giám đốc Điện lực thành phố Kon Tum cho biết: Dự án Cải tạo và phát triển lưới điện phân phối thị xã Kon Tum hoàn thành đưa vào vận hành từ năm 2005 đã tạo sự đổi thay toàn diện cho lưới điện đô thị Kon Tum, đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ thuật, đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị. Dự án này hoàn thành là một trong những tiêu chí quan trọng để nâng cấp từ thị xã Kon Tum lên thành phố Kon Tum (10/4/2009).
Những năm qua, công tác quản lý lưới điện đô thị từng bước đi vào nền nếp, có sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý hệ thống lưới điện. Công tác xử lý hành lang lưới điện cũng được đơn vị đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay, ngành Điện đã phối hợp phát quang hành lang trên các tuyến đường dây hạ thế. Hàng năm, ngành Điện đều có giải pháp cụ thể, thích hợp nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện đô thị gắn với quy hoạch, nhằm giảm tình trạng tổn thất điện năng bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
|
Tuy nhiên, do có khó khăn về nguồn vốn, nên việc đầu tư, cải tạo, xây mới các trạm biến áp, mở rộng lưới điện hạ thế còn gặp nhiều trở ngai. Tuy vậy, mỗi năm, Tổng công ty Điện lực miền Trung cân đối nguồn vốn ưu tiên từ 15-20 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp và mở rộng lưới điện hạ thế sau trạm biến áp ở thành phố Kon Tum. Cụ thể năm 2018, ngành Điện đã đầu tư xây dựng mới 14 đường dây trung, hạ thế (650m đường dây trung thế; 6.640m đường dây hạ thế) và 3 trạm biến áp tại thành phố Kon Tum. Năm 2019, ngành Điện tiếp tục đầu tư xây dựng mới 16 đường dây trung, hạ thế (đường dây trung thế 204m; hạ thế 5.548m) cũng tại thành phố Kon Tum.
Theo định hướng của tỉnh, ngành Điện sẽ tiếp tục đầu tư lưới điện cho thành phố Kon Tum gắn với các khu công nghiệp Sao Mai, Hòa Bình, các khu đô thị mới để trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ của tỉnh, phấn đấu để thành phố Kon Tum trở thành đô thị loại II miền núi, vùng cao, biên giới trước năm 2020.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hiện nay, nhu cầu đầu tư, xây dựng mới và cải tạo lưới điện trên địa bàn tỉnh còn rất lớn và cấp bách. Riêng ở thành phố Kon Tum, các phụ tải liên tục tăng trưởng ở mức cao. Nhiều trạm biến áp và đường dây 220kV/110kV đang vận hành trong tình trạng đầy hoặc quá tải. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư của Tổng công ty Ðiện lực miền Trung còn hạn hẹp. Để đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện và mở rộng lưới điện hạ thế, UBND tỉnh đã làm việc và tiến hành ký Biên bản ghi nhớ với Tổng công ty Điện lực miền Trung vào ngày 28/11/2018, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 332/UBND-HTKT về việc đầu tư xây dựng lưới điện cho nhóm từ 30 hộ trở lên chưa có điện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Công thương sẽ phối hợp với ngành Điện, UBND các huyện và thành phố Kon Tum có kế hoạch xúc tiến đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện trên toàn địa bàn, đặc biệt là ưu tiên cho các điểm dân cư từ 30 hộ trở lên. Tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để thực hiện đầu tư hệ thống lưới điện, trong đó vốn của ngành Điện sẽ đầu tư hệ thống điện trung và hạ áp; vốn của các hộ gia đình được sử dụng để đầu tư các phụ tải sau công tơ.
Dương Lê