Ngân hàng và doanh nghiệp: Tăng cường kết nối đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả người dân, doanh nghiệp, là xu hướng chung trong phát triển nền kinh tế nông nghiệp bền vững ngày nay. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đang gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định, trong đó nguồn vốn cho vay là “nút thắt” lớn cần được tháo gỡ.
Dù nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cam kết dành nguồn vốn để cho vay đối với các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời chủ động tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng, nhưng đến nay, việc xây dựng các sản phẩm tín dụng mới phục vụ phát triển cho vay đối với lĩnh vực này còn rất hạn chế.
Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh thừa nhận, tình trạng người dân, doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn để sản xuất, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những “nút thắt” cần tháo gỡ để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường nông sản hiện nay.
Theo báo cáo của NHNN, đến cuối tháng 7/2019, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 29.800 tỷ đồng. Hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục quan tâm, chiếm 65% tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn. Đặc biệt, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 12.590 tỷ đồng tăng 21% so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn mức rất thấp, do vướng khâu pháp lý về tài sản thế chấp.
|
Bà Hà Thị Thanh Hòa - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum cho biết: Việc đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Theo quy định hiện hành thì khách hàng vay vốn phải có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp mới thành lập, chưa có tài sản thế chấp. Hơn nữa, các tài sản hình thành từ các dự án như nhà kính, nhà lưới, các hệ thống sản xuất nông nghiệp thì chưa được công nhận là tài sản gắn liền trên đất nên ngân hàng không nhận làm tài sản đảm bảo tiền vay. Ngoài ra, các yếu tố rủi ro của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như thời tiết, giá cả thị trường, công nghệ… tác động rất lớn đến việc tính toán doanh thu của doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong một chu trình sản xuất. Vì vậy, khâu thẩm định cho vay đối với chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vấn đề khó khăn. Do đó, đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới đạt 13,4 tỷ đồng.
Theo ý kiến từ phía các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì việc triển khai chương trình cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa thuận lợi còn do các nguyên nhân khác như: Cho vay đối với khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng chưa nhiều; các tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chung chung, chưa phù hợp, nên khó vay được vốn ngân hàng…
Ông Hoàng Minh Tân - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, ngày 17/7/2019 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Chính phủ giao hoàn thiện chính sách tín dụng cho các dự án nông nghiệp theo hướng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tăng cường kết nối các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; có dự án đầu mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Như vậy, “nút thắt” về vốn trong đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phần nào được Nhà nước quan tâm tháo gỡ, vấn đề còn lại quá trình triển khai của các địa phương và các doanh nghiệp ở lĩnh vực này làm sao mang lại hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, đem lại lợi ích cho cả nhà nông, nhà doanh nghiệp và Nhà nước.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công sẽ góp phần mở ra xu hướng sản xuất mới, đáp ứng nhu cầu phát triển một nền kinh tế nông nghiệp bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Dương Lê