Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kon Tum triển khai nhiệm vụ năm 2020
Chiều 16/1, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị tổng kết ngành Ngân hàng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành; các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
|
Năm 2019, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh triển khai có hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng và ngoại hối bảo đảm hệ thống ngân hàng trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả.
Tính đến 31/12/2019, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 15.780 tỷ đồng so với năm 2018, tăng 9,76%; trong đó tiền gửi tiết kiệm từ dân cư đạt 11.560 tỷ đồng (chiếm 73% nguồn vốn huy động). Các ngân hàng triển khai đa dạng các hình thức huy động vốn, phù hợp nhu cầu người gửi tiền, áp dụng các mức lãi suất và kỳ hạn linh hoạt để thu hút nguồn tiền gửi, nhằm chủ động trong thanh toán và cung ứng vốn tín dụng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến 31/12/2019 đạt 31.315 tỷ đồng, tăng 9,76% so với năm 2018. Nguồn vốn tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chi nhánh yêu cầu các ngân hàng đánh giá tình hình quan hệ tín dụng với doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng đã cho 182 doanh nghiệp vay mới, với dư nợ 3.301 tỷ đồng; cơ cấu lại nợ cho 3 doanh nghiệp, với dư nợ 112 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2019, dư nợ cho vay đối với thành phần doanh nghiệp đạt 10.134 tỷ đồng (chiếm 36% dư nợ cho vay, tăng 6,3% (tăng 600 tỷ) so với cuối năm 2018, với 755 khách hàng vay vốn. Tình hình nợ xấu đến cuối năm 2019 còn 296 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,95% trên tổng dư nợ.
Năm 2020, ngành Ngân hàng tỉnh thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên; chú trọng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện quyết liệt các giải pháp tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. Ngành Ngân hàng tỉnh phấn đấu huy động vốn tại chỗ đạt mức tăng trưởng từ 12% (đạt khoảng 17.500 tỷ đồng), tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu đạt tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng từ 14% (đạt khoảng 35.000 tỷ đồng); duy trì tỷ lệ nợ xấu bền vững dưới 2% so với tổng dư nợ, góp phần tích cực vào sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương.
Lê Sang